Kinh nghiệm Kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi

Heli Pham - PasGo Team- 29/08/2024

Theo tháp nhu cầu Maslow, ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, bởi vậy, kinh doanh nhà hàng là mảnh đất màu mỡ “hái ra tiền” nhanh chóng mà rất nhiều người muốn bước chân vào, nhưng ít người biết, đây cũng là lĩnh vực sẽ khiến tiền bạc của bạn “đội nón ra đi” nhanh không kém.


Mục lục

Theo thống kê của PasGo và số liệu tham khảo từ nhiều nguồn thì chu kỳ hoạt động của một nhà hàng thường là mỗi 2-3 năm. Trong 2-3 năm đầu đời, có tới 80% các nhà hàng phải đóng cửa ngừng hoạt động, 10% các nhà hàng tồn tại mang tính chất duy trì, chỉ có khoảng 10% nhà hàng thành công đúng nghĩa và tiếp tục phát triển hoặc mở chuỗi.

Dịch Covid-19, cùng với nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người tham gia giao thông khi uống rượu bia là hai tác động kép khiến cho việc khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng hay mở quán ăn từ sau năm 2020 này càng là bài toán khó giải hơn bao giờ hết.

Vậy đâu là các yếu tố then chốt để làm nên thành công hay thất bại của một nhà hàng? Tham khảo thông tin từ nhiều nguồn uy tín và kinh nghiệm hơn 5 năm trực tiếp triển khai cung cấp giải pháp đặt bàn online cho hơn 2000 đối tác nhà hàng khắp Việt Nam, PasGo đã tổng hợp bài viết “Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi” dưới đây, mời các bạn cùng tham khảo nhé!

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 1

7 điều quan trọng Chủ nhà hàng CẦN THỐNG NHẤT ngay từ đầu

• Tư duy của người chủ

Nếu bạn là người chủ đầu tư duy nhất hay bạn có một nhóm vài anh chị em cùng nhau đầu tư mở nhà hàng, thì điều kiện tiên quyết đầu tiên phải là yếu tố “đồng thuận” trong làm ăn. Để thành công bền vững thì tất nhiên rất cần đạt được sự đồng thuận trên nhiều khía cạnh, tuy nhiên, có 2 khía cạnh chính mà chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh bạn cần đạt được đầu tiên, đó chính là đồng thuận về lợi ích và đồng thuận về tư duy kinh doanh.

- Đồng thuận về lợi ích: chính là việc cần thống nhất trước rõ ràng, minh bạch về các thông số liên quan tới tiền bạc như: tỉ lệ góp vón, lộ trình góp vốn, phần trăm ăn chia, thời điểm ăn chia…

- Đồng thuận về tư duy kinh doanh:

• Với chu kỳ vòng đời ngắn 3 năm (như đã nói ở trên), kinh doanh nhà hàng, quán ăn là một trong những ngành có sự biến động lớn nhất thị trường, bởi vậy, tư duy cần tránh đối với mỗi người chủ nhà hàng đó chính là tư duy bảo thủ.

• Tư tưởng cũ, lạc hậu, không chịu đổi mới;
Luôn cho rằng kiến thức và kinh nghiệm của mình là nhất; Coi thường những giá trị của người khác; hay bắt kịp xu hướng thế giới nhưng lại mắc căn bệnh sính ngoại,… đều là những biểu hiện của tư duy bảo thủ. Hãy cẩn thận, vì chính nó là thủ phạm âm thầm “giết chết” chính nhà hàng của bạn lúc nào không biết.

Để một nhà hàng vận hành trơn tru, thì việc phân định rõ vai trò của mỗi thành viên cũng là một việc làm rất quan trọng. Ở đây, chúng tôi đang nói đến tầm quản trị vĩ mô, tức là ở mức độ thành viên quản lý cấp cao.

- Trước tiên, bạn cũng cần xác định bạn tự làm một mình hay đi thuê. Nếu thuê thì thuê ai? Thuê người quản lý hay người triển khai các hạng mục nhỏ như (tuyển dụng đào tạo nhân sự, marketing quảng cáo tìm khách,…)

- Ngoài ra, ở cấp độ nhiều thành viên đầu tư, bạn cũng nên làm rõ vai trò: ai là chủ đầu tư chỉ chuyên tâm rót vốn, ai là người trực tiếp điều hành chung mọi hoạt động tại mỗi nhà hàng, ai là người phụ trách mảng nhân sự, marketing,…

>> Xem thêm: Bảo thủ - Tư duy tuyệt đối cần tránh trong kinh doanh nhà hàng

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 2

• Vốn, dòng tiền và bài toán doanh thu

- Xác định rõ sẽ đầu tư bao nhiêu vốn cho việc mở nhà hàng, bạn sẽ huy động vốn từ các nguồn nào, lộ trình huy động vốn,… Trong đó, nếu bạn sử dụng các nguồn vốn đi vay, thì cần tính đến cả các thời điểm trả lãi và các rủi ro khi vay.

- Trong đầu tư làm ăn, đa số mọi người đều xác định được tốt về nguồn vốn, nhưng lại thường bỏ quên hoặc làm qua loa việc xác định dòng tiền. Nếu may mắn nhà hàng làm ăn có lãi thì bạn cứ thế bon bon chạy, nhưng nếu chẳng may không có khách, bạn mới bắt đầu lo lắng nhìn lại bản kế hoạch của mình và lúc đó mới hối hận đã không làm rõ dòng tiền và bài toán doanh thu sớm hơn. Phần việc này không có gì to tát, bạn chỉ cần làm rõ: dòng tiền của bạn sẽ đến và đi như thế nào: doanh thu từ các nguồn nào, phải chi phí cho các khoản nào (liệt kê và ước lượng càng chi tiết càng tốt), xác định khi nào thì hoà vốn và khi nào thì kinh doanh quán ăn có lãi,…

• Xác định loại hình ẩm thực nhà hàng

Buffet hay gọi món? Món Á hay món Âu? Món Trung Hoa, Hồng Kong hay đặc sản các món Việt ba miền?... Hãy tìm hiểu kỹ và chốt lại một loại hình ẩm thực nhà hàng mà bạn muốn kinh doanh ngay lúc này.

Trên thực tế cũng có một số nhà hàng, quán ăn thành công với hai hoặc nhiều loại hình ẩm thực kết hợp, kiểu như nhà hàng buffet món Á kèm dimsum Hồng Kong, nhà hàng Pizza kết hợp gọi món Việt,… Tuy nhiên, lời khuyên của chúng tôi là hãy tạo dấu ấn riêng biệt về một loại hình chủ đạo, trước khi muốn mở rộng kết hợp hai hay nhiều loại hình ẩm thực khác. Vì thường khi bạn là “lính mới”, khách hàng sẽ nhớ tới bạn lâu hơn khi bạn là “duy nhất”.

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 3

• Thị trường và khách hàng mục tiêu

Sau khi đã chọn loại hình ẩm thực sẽ kinh doanh, thì xác định thị trường và khách hàng mục tiêu là bước cần làm ngay sau đó.
Bạn cần “khoanh vùng” thị trường mục tiêu, tập khách hàng mục tiêu của nhà hàng mình và tập trung mọi nguồn lực ban đầu để tối ưu nó trước, đừng đầu tư dàn trải. Khoanh vùng càng chính xác, xác định tập khách hàng mục tiêu càng nhỏ thì bước thành công ban đầu của bạn càng lớn.

Ví dụ:
- Thị trường mục tiêu của tôi là khu vực Quận 1 TpHCM, tập trung ở bán kính 5km xung quanh đường hoa Nguyễn Huệ, toà TTTM Vincom Đồng Khởi.

- Tập khách hàng mục tiêu của tôi là giới công sở, dân văn phòng, cả nam và nữ, thu nhập trung bình từ 6 triệu – 20 triệu đồng/tháng, có thói quen ra ngoài ăn trưa hoặc gọi đồ ăn trưa về văn phòng, thường xuyên online facebook/zalo trong khung giờ 11h – 13h,…

• Nhượng quyền hay tự tạo thương hiệu

Nếu muốn kinh doanh quán ăn theo hướng mua quyền thương hiệu, có thể bạn sẽ cần cân nhắc đến việc thuê luật sư tư vấn về vấn đề nhượng quyền, đồng thời, dự trù thêm ngân sách cho việc này.

Kinh nghiệm của chúng tôi là đừng quên tìm hiểu kỹ các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình nhận nhượng quyền, ví dụ như: các quy định về nhận diện thương hiệu nhượng quyền, điều khoản phải bồi thường, phí duy trì nhượng quyền hay các điều kiện dừng nhượng quyền,…

>> Xem thêmNhượng quyền thương hiệu nhà hàng hay tự mở quán

• Đặt tên cho Nhà hàng

Chắc chắn rồi, một cái tên thật “kêu”- có lẽ là điều mà bạn háo hức nghĩ đến đầu tiên phải không? Nhưng hãy bình tĩnh nhé, đặt tên cho nhà hàng – cứ nghĩ là đơn giản, nhưng thực tế, cái tên cũng là một yếu tố góp phần không nhỏ để kinh doanh nhà hàng thành công đấy.

Thực tế đã có một số cái tên khiến khách hàng “đi ăn chục lần cũng ko tài nào nhớ nổi”, hoặc có những cái tên khiến khách hàng phát cáu vì không thể gõ để tìm kiếm online được (google, cốc cốc,…) vì không tương thích bộ gõ của unikey,…

Đặt tên nhà hàng cũng giống như đặt tên cho những đứa con vì đó không chỉ là một cái tên để gọi mà còn là thương hiệu để mọi người nhớ tới và hình dung về nhà hàng của bạn.
Nguyên tắc cơ bản nhất là tên nhà hàng cần dễ đọc, dễ nhớ, phản ánh được địa điểm, chủ đề và lịch sử của nhà hàng.

>> Xem thêm14 cách đặt tên Nhà hàng hay nhất và những điều cần tránh

• Xác định điểm khác biệt của Nhà hàng

Điểm khác biệt – rất quan trọng, nhưng nhiều người khi mở quán kinh doanh đã bỏ qua không nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến nhưng lại xác định sai, kiểu như bản thân mình tự AQ cho rằng quán mình là rất đặc biệt, rất ấn tượng rồi, mà quên mất không hỏi khách hàng, không tham khảo ý kiến chuyên gia xem đó đã thực sự là điểm khác biệt của quán hay chưa?

>> Xem thêm5 nhân tố quan trọng xây dựng thương hiệu khác biệt cho nhà hàng

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 5

Như vậy, khi các chủ đầu tư, chủ nhà hàng thống nhất được với nhau 7 điều quan trọng trên là các bạn đã đi được một quãng đường rất quan trọng rồi. Tiếp theo đây là 16+ checklist (các việc cần làm) trong toàn bộ quá trình kinh doanh nhà hàng. Chúng tôi có chia làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: khi mở quán
  • Giai đoạn 2: Vận hành kinh doanh
  • Giai đoạn 3: Tăng trưởng và tự động hoá để mở chuỗi.

Mời các bạn cùng theo dõi tiếp nhé! 

Các việc cần làm TRƯỚC KHI mở quán

1. Chọn địa điểm kinh doanh

Đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn và uống, địa điểm có lẽ là yếu tố quyết định tới 50% sự thành công cho nhà hàng của bạn, thậm chí còn hơn. Bởi vậy, lựa chọn địa điểm kinh doanh nhà hàng phù hợp là checklist đầu tiên mà bạn cần dành nhiều thời gian làm cẩn thận trước khi mở quán.

Một số kinh nghiệm quan trọng khi chọn địa điểm nhà hàng:

- Vị trí nhà hàng và các điều kiện giao thông trước mặt tiền (phố lớn hay trong ngõ, lưu lượng khách qua đường/phút, đường 1 chiều hay 2 chiều, có ngập lụt khi mưa lớn không,…)

- Giá thuê và thời hạn thuê

- Chỗ đỗ ô tô, xe máy và các khoản phí trông giữ xe (nếu có)

- Khảo sát hạ tầng cơ sở giao thông, nhà ở, TTTM trong vòng bán kính 3km xung quanh quán

- Văn hoá, nhân khẩu học, và mặt bằng thu nhập của dân cư trong vòng bán kính 3km xung quanh quán

- Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc địa điểm đó có phù hợp với chính bạn, với tập khách hàng mục tiêu của bạn hay với chính các nhân viên của bạn hay không?

>> Xem thêmKinh nghiệm chọn địa điểm kinh doanh nhà hàng để luôn đông khách

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 6

2. Thực đơn và giá bán

Sau địa điểm, thì thực đơn (danh sách món ăn) và giá bán là yếu tố tiếp theo quyết định tới sự thành bại của một nhà hàng.

Đừng nghĩ bạn là đầu bếp nổi tiếng, món ăn bạn làm rất ngon và bạn đã quá hiểu khách hàng rồi – là bạn đã có thể xây dựng lên một thực đơn ai ai cũng thích. Thực tế đã chứng minh ngược lại.

Chính việc xây dựng một thực đơn “ai ai cũng thích” đã làm bạn thất bại, bởi đôi khi, khách hàng mục tiêu tại khu vực nhà hàng của bạn lại thích được ăn những món chỉ riêng họ thích. Thật lạ phải không?

Hoặc, danh sách thực đơn các món ăn của bạn rất đặc biệt, đầu bếp của bạn chế biến rất ngon, nhưng giá bán lại không phù hợp.

Để đưa ra được một “chiến lược giá bán” hợp lý, kinh nghiệm được khuyên là: ngoài việc cân đối giữa chi phí giá thành thì bạn đừng bao giờ bỏ qua bước nghiên cứu hành vi, văn hoá, trình độ, mức sống,… của tập khách hàng mục tiêu, đặc biệt là những khách hàng xung quanh nhà hàng nhé.

3. Nhân sự nhà hàng

- Xác định các vị trí cần tuyển

- Số lượng cần tuyển cho mỗi vị trí

- Tuyển nhân viên full time hay cộng tác viên part time?

Tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới cho nhà hàng, xác định mức lương phù hợp cho mỗi vị trí nhân viên - là việc bạn cần làm thống nhất ngay từ đầu.

Bạn có biết, ngành F&B (Food and Beverage) là một trong những ngành có sự biến động nhân sự lớn nhất trong số các ngành dịch vụ hiện nay? Đó là bởi vì việc gia nhập và rời bỏ công việc của ngành này không quá khó. Thời gian đào tạo của các chương trình học nghề đầu bếp chuyên nghiệp thường là: hệ trung cấp từ 1 – 2 năm, hệ sơ cấp từ 3 tháng – 6 tháng. Không thiếu các khoá học đào tạo quản lý khách sạn nhà hàng chỉ từ 3 tháng, và các vị trí như order bàn, chạy món – có lẽ chỉ cần đào tạo 1 ngày, thậm chí 1 vài giờ…

Bởi vậy, bạn không muốn suốt ngày chỉ ngồi để tìm và tuyển dụng nhân sự mới chứ?

4. Bố trí không gian, nội thất

Không gian là yếu tố quyết định trực tiếp đến “trải nghiệm đầu tiên” của khách hàng khi bước tới nhà hàng của bạn. Còn nội thất lại là thứ khiến ví tiền của bạn tiêu hao nhanh nhất nếu không có kế hoạch cân đối từ trước.

Không gian và nội thất cũng là hai yếu tố có thế giúp bạn tạo được dấu ấn thương hiệu riêng rõ rệt nhất trong tâm trí thực khách. Bởi vậy, kinh nghiệm mở nhà hàng của những người đi trước là: tuỳ theo loại hình ẩm thực, tập khách hàng mục tiêu và dự kiến vốn đầu tư, mà bạn đừng ngần ngại “chi mạnh tay nhưng có tính toán” cho khoản này nhé.

5. Kế hoạch marketing quảng cáo

Bạn làm rất tốt 4 checklist ở trên rồi, nhưng đến bước thứ 5 này lại hơi “đuối sức” thì bạn biết kết quả là gì rồi đấy: ít khách hoặc không có khách. Mở một quán ăn thật sự không dễ dàng phải không?

Vậy nên, trước khi có ý tưởng kinh doanh nhà hàng, bạn nhất định cần phác thảo được một kế hoạch quảng cáo sơ bộ cho quán.

Có thể bạn tự làm, có thể đi thuê, nhưng nhất định phải có người phụ trách đầu việc này. Đừng chủ quan khi thấy tháng đầu tiên khai trương đông nghịt khách. Sau khoảng 3-4 tháng, khi thực khách từ các mối quan hệ người quen đã hết, có thể bạn sẽ phải tự hỏi “khách hàng của mình đi đâu hết rồi” đấy!

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 7

Cá việc cần làm khi VẬN HÀNH kinh doanh Nhà hàng

6. Cải tiến thực đơn, chất lượng món ăn và chất lượng phục vụ

Cải tiến, cải tiến và liên tục cải tiến – là kim chỉ nam để cho một nhà hàng “sống sót” và “sống khoẻ”. Trong đó, thực đơn, giá bán, chất lượng món ăn – là những yếu tố bạn cần có khảo sát liên tục để kịp thời điều chỉnh.

Nghe chia sẻ trực tiếp từ thực khách – là cách khảo sát hiệu quả nhất. Hãy chọn một vài thời điểm thích hợp để trò chuyện với họ. Ví dụ như lúc họ đang ngồi chờ thanh toán, bạn có thể đến để được nghe đánh giá của họ về chất lượng món ăn, giá bán, thái độ phục vụ của nhân viên,… Tặng đồ uống, món tráng miệng hoặc đồ lưu niệm nhỏ,… cũng là một cách để tạo dấu ấn với khách hàng.

7. Đào tạo và giữ chân nhân viên

Như đã nói ở trên, nhân sự ngành nhà hàng, F&B có xu hướng nghỉ việc cao nhất trong các ngành. Bởi vậy, ngoài tiền thù lao lương, thưởng thì việc được đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn trong nhà hàng như: lên chức vụ giám sát, quản lý nhà hàng, hoặc cửa hàng trưởng cho một cơ sở mới,… là những yếu tố có thể giúp bạn giữ chân được các nhân viên tốt. Hãy nghĩ đến việc này, và bạn hoàn toàn có thể chia sẻ trước với nhân viên để tạo động lực phấn đấu cho họ.

8. Đánh giá kế hoạch marketing quảng cáo

Chi phí cho marketing quảng cáo chưa bao giờ là nhỏ, đặc biệt là đối với các đơn vị mới khai trương hoặc ra mắt sản phẩm mới. Bởi vậy, đánh giá kế hoạch marketing quảng cáo – là việc bạn cần tính toán và phân tích lợi ích giữa chi phí quảng cáo bỏ ra hàng tháng và hiệu quả thu về. Cụ thể hoá các thông số đầu ra là một cách đánh giá hiệu quả. Ví dụ: số khách đặt bàn đến từ xem quảng cáo, các chỉ số tăng trưởng về nhận diện thương hiệu như: Số khách hàng tiềm năng like facebook, xem video yoututbe, hay số cuộc điện thoại, tin nhắn,… hỏi về đặt bàn nhà hàng, món ăn,…

Càng cụ thể hoá được các thông số đo lường này, bạn càng đánh giá được sát hơn hiệu quả của kế hoạch quảng cáo.

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 8

9. Đánh giá thị trường khách hàng mục tiêu và điểm khác biệt

Sau khoảng 2- 3 tháng triển khai, hãy rà soát lại xem tập khách hàng mục tiêu mà bạn muốn hướng tới ban đầu đã đúng chưa? Phân khúc thị trường, giá bán có phù hợp không? Và điều quan trọng là điểm khác biệt mà ban đầu bạn muốn tạo dấu ấn với họ có đúng không? Có còn đúng không? Có thể làm khác biệt hơn nữa không?

Đánh giá những điều này, là tiền để để nhà hàng của bạn “sống khoẻ” và”sống bền vững” đấy. Hãy lưu tâm!

10. Kiểm soát dòng vốn

Nhiều kinh nghiệm đã chỉ ra rằng: Chỉ quan tâm đến hiệu số tài chính đầu vào và đầu ra, mà bỏ qua kiểm soát các nghiệp vụ chi tiết – là một trong những nguyên nhân khiến kinh doanh nhà hàng thất bại.

Nghiệp vụ chi tiết ở đây có thể là các khoản chi đầu tư cho cơ sở vật chất hay tính toán giá thành, giá bán,… Hãy luôn đặt câu hỏi ngược cho nhân sự thực thi: khoản đó có đáng đầu tư không? Đầu tư bằng đó tiền là hợp lý chưa (đủ, thừa hay thiếu, vì sao)?...

Ngoài ra, kiểm tra doanh thu và quản lý các thất thoát cũng là việc nên làm thường xuyên để kiểm soát dòng vốn. Hãy để ý các thất thoát có thể xảy ra ở bước: thu mua nguyên liệu, thu ngân (kế toán, hoá đơn),…

11. Thiết lập kênh chăm sóc Khách hàng chuyên sâu

Tỉ lệ khách hàng quay trở lại đặt bàn ăn lần 2, lần 3,… là một trong các chỉ số quan trọng đo lường sự thành công nhà hàng của bạn. Bởi vậy, đừng chỉ tập trung đổ tiền cho quảng cáo tìm khách hàng mới mà bỏ quên đi tập khách hàng thân thiết này. Nếu chăm sóc khách hàng thân thiết tốt, họ cũng chính là những người giúp bạn lan truyền và giới thiệu nhà hàng một cách hiệu quả nhất đấy. Một kênh “marketing 0 đồng” thật hữu ích phải không?

Hãy cân nhắc việc tự xây dựng một nhóm nhỏ hoặc bộ phận chăm sóc khách hàng hay đi thuê các công ty chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 9


Các việc cần làm để TĂNG TRƯỞNG doanh số, tự động hoá và mở chuỗi nhà hàng

12. Quy trình hoá các khâu

Để tăng trưởng bền vững, hãy lưu tâm tới khái niệm “chi phí cận biên” trong kinh tế học. Hiểu đơn giản “chi phí biên là mức thay đổi trong tổng chi phí khi chúng ta tăng sản lượng thêm một đơn vị”. Hẳn là bạn cũng muốn nhà hàng của mình sẽ dần có “tên tuổi”, và nhanh chóng mở ra được chuỗi nhiều cơ sở, rồi bán nhượng quyền chứ? Vậy hiểu đơn giản, chi phí cận biên trong ngành kinh doanh nhà hàng, đó là làm sao để chi phí bạn mở thêm một chi nhánh nhà hàng mới thấp nhất có thể.

Muốn tính toán được chi phí này, việc đầu tiên bạn cần làm, đó chính là quy trình và chuẩn hoá các khâu vận hành như: Quy chuẩn cách chọn địa điểm để mở nhà hàng; quy chuẩn cách lên thực đơn giá bán; quy chuẩn khâu tuyển dụng, đào tạo, bậc lương nhân viên; quy chuẩn hoá khâu tiếp đón lễ tân, bảo vệ, đặt bàn, thu ngân,… Càng chia nhỏ và chuẩn hoá chi tiết được nhiều khâu, bạn càng dần tiến nhanh hơn tới việc “tự động hoá nhà hàng”.

13. Tạo dấu ấn thương hiệu

Thực ra, việc quy trình hoá các khâu như ở trên là bạn đã đang xây dựng lên dấu ấn thương hiệu nhà hàng riêng của mình rồi. Việc đáng lưu tâm thêm ở đây, đó là cách thức bạn làm để tạo dấu ấn mà thôi. Hãy tự sáng tạo theo cách riêng của bạn, vì chỉ bạn mới hiểu khách hàng của bạn nhất.

14. Áp dụng Công nghệ

Bạn là người trẻ, hay kể cả khi bạn là ông bà chủ “đã ngoài 50” thì cũng nên lưu tâm tới việc áp dụng công nghệ trong quản trị và vận hành nhà hàng. Nếu không, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay của thế giới và tại Việt Nam, chẳng sớm thì muộn bạn cũng sẽ nhanh chóng bị rơi xuống hàng “đi sau”.

Không cần nghĩ đến công nghệ gì quá to tát, đơn giản như một ứng dụng di động quản lý đặt bàn, một phần mềm theo dõi doanh thu, hay một phần mềm quản lý giám sát giao việc cho nhân viên,... Lời khuyên của chúng tôi là hãy chọn những ứng dụng, phần mềm có thiết kế ưu tiên cho điện thoại di động và web mobile trước.

15. Quản trị từ xa

Quy trình hoá, áp dụng công nghệ - chính là những tiền đề để bạn thực thi việc quản trị từ xa cho hệ thống nhà hàng của mình. Con đường tiến tới “tự động hoá nhà hàng” không còn xa. Là một nhà đầu tư hay ông bà chủ, bạn cần làm thêm một bước nữa, đó là đánh giá tổng thể các khâu (checklist 1 đến 14), và nhớ đặc biệt lưu tâm tới việc kiểm soát dòng tiền và thất thoát nhé.

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 10

16. Hợp tác và đi thuê

Nhiều kinh nghiệm thực tế đã chứng minh: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Với ngành kinh doanh nhà hàng cũng vậy. Đi thuê hoặc hợp tác với các đối tác phù hợp – là con đường có thể giúp bạn tiến xa hơn (và cũng nhanh hơn) trong sự nghiệp mở quán ăn của mình.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, thay vì tự tuyển dụng rồi đào tạo nhân viên cho quán, bạn hoàn toàn có thể đi thuê các đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp; thay vì tự quảng cáo tìm khách, bạn có thể hợp tác trọn gói với một đơn vị media nào đó; thay vì tự xây dựng kênh chăm sóc khách hàng, bạn cũng có thể hợp tác với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ này,… Thực tế rất hay là ở Việt Nam, không thiếu các đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trên.

Để khách quan, chúng tôi chỉ đề cập tới giải pháp đặt bàn nhà hàng online ở cuối bài viết này. Một số kênh đặt bàn nhà hàng online bạn có thể cân nhắc hợp tác tại Việt Nam như: PasGo, Grab Food, Gojek, Baemin,… Trong đó, PasGo là một nền tảng cung cấp dịch vụ đặt chỗ trực tuyến, giúp Khách hàng đặt chỗ tới các Địa điểm kinh doanh tại mỗi địa phương. Đó là các địa điểm Nhà hàng/Quán ăn uy tín, chất lượng, thuộc phân khúc trung và cao cấp.

PasGo tự hào là nền tảng đặt bàn online của người Việt; một giải pháp mang tính chất tổng thể, chuyên sâu, có thể giúp bạn giải quyết nhiều “vấn đề cần đi thuê” cùng một lúc như tìm kiếm khách hàng, tăng trưởng doanh số, tối ưu giờ trống, truyền thông thương hiệu hay chăm sóc khách hàng chuyên biệt, chuyên sâu.

Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng từ khi mở quán đến tự động chuỗi - 11

Vừa rồi là tổng hợp các kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng quan trọng mà chúng tôi muốn nhắc bạn lưu tâm khi có ý định mở nhà hàng, quán ăn. Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn dành thời gian đọc đến đây.

Hi vọng, bài viết sẽ phần nào giúp bạn không bỏ sót các đầu việc quan trọng cần làm để kinh doanh nhà hàng thành công. Hãy đóng góp cho chúng tôi thêm những đầu việc mà bạn cho là cần thiết khi mở quán nhé, bằng cách bình luận dưới chân bài viết này. Đội ngũ PasGo Team sẽ cập nhật thường xuyên.

Chúc các bạn kinh doanh thành công!

--

PasGo là nền tảng đặt chỗ trực tuyến, giúp khách hàng tìm kiếm, lựa chọn và đặt bàn tới các Nhà hàng, quán ăn - trước khi đến tận nơi để sử dụng sản phẩm, dịch vụ. 

Chúng tôi hân hạnh chào đón Nhà hàng, Quán ăn của Quý Anh/Chị trở thành đối tác của PasGo trong một ngày gần nhất!

LIÊN HỆ HỢP TÁC VỚI PASGO 

Bộ phận Kinh doanh và Phát triển thị trường PasGo

  • Hotline: 0934.626.005 (có zalo)
  • Email: kinhdoanh@pasgo.vn
  • 3 phút cung cấp thông tin về Nhà hàng của Quý Anh/Chị TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0