Hướng dẫn 7 bước lập Kế hoạch kinh doanh nhà hàng chi tiết

Ngày cập nhật:05/11/2020

Kinh doanh thử, kinh doanh cho vui, hay bạn là người “thừa tiền” không biết đầu tư gì nên chọn đầu tư kinh doanh nhà hàng, thì chúng tôi khuyên bạn thật lòng là nên “thử” hay đầu tư cái khác, chứ đừng đầu tư vào ngành kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống.


Mục lục

Bởi vì đây không phải là một “cuộc dạo chơi” của bạn. Kinh doanh nhà hàng là một lĩnh vực nhiều người nhìn vào thấy “siêu lợi nhuận”, nhưng nó cũng là ngành khiến tiền bạc của bạn đội nón ra đi lúc nào không hay. Cạnh tranh khốc liệt, khó quản lý nhân sự và dòng tiền – là những thách thức dành cho bạn khi có ý định mở quán kinh doanh. Bởi vậy, để kinh doanh nhà hàng thành công, rất cần một người chủ - với sự quyết tâm, lòng kiên nhẫn và một đầu óc nhạy bén.

Để sẵn sàng bước vào con đường “chinh chiến” này, các nhà đầu tư nên lập cho mình một bản kế hoạch kinh doanh thật chi tiết cụ thể. Điều này sẽ giúp bạn sẵn sàng trong mọi tình huống để khởi đầu suôn sẻ và thuận lợi hơn.

Dưới đây là tổng hợp của PasGo về 7 bước để lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo nhé!

Bước 1: Tổng quan về nhà hàng

Mục đầu tiên trong bản kế hoạch kinh doanh, bạn cần đưa ra được những thông tin chung về nhà hàng, quán ăn của mình. Mục này không chỉ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về nhà hàng mà còn giúp các nhà đầu tư biết rõ tình trạng nhà hàng của bạn.

>> Phần này bao gồm những mục sau:

  • Thông tin chung:

- Thông tin về công ty quản lý nhà hàng của bạn, cách thức điều hành,…

  • Thông tin nhà hàng:

- Loại hình, quy mô, phong cách, thiết kế, dịch vụ kèm theo,…

  • Thông tin chủ nhà hàng:

- Thông tin cá nhân về chủ quán, kinh nghiệm làm việc, quan điểm và tầm nhìn về phát triển kinh doanh

  • Định hướng hoạt động nhà hàng:

- Lý do mở nhà hàng/ quán ăn, nhóm khách hàng mục tiêu, phương thức cạnh tranh với đối thủ.

Bước 2: Phân tích thị trường

Đây là một bước quan trọng trong bản kinh doanh vì nó sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về thị trường ẩm thực hiện tại ở khu vực và trên thế giới. Từ đó, giúp bạn xác định mô hình nhà hàng, đồng thời đề ra những mục tiêu và cách thức triển khai hợp lý.

>> Phần này bao gồm một số mục sau:

  • Xu hướng ẩm thực:

- Phân tích tình hình ẩm thực trong quá khứ, nắm bắt xu hướng ẩm thực hiện tại và trong một vài năm gần đây. Từ đó lập kế hoạch điều chỉnh khẩu vị, giá thành, dịch vụ,… của nhà hàng, sao cho phù hợp với xu thế của khách hàng.

  • Xác định mô hình nhà hàng:

- Nhà hàng của bạn sẽ kinh doanh loại hình ẩm thực nào? Món Á, món Âu hay món hải sản, đồng quê?

  • Cách thức hoạt động:

- Tuy chưa thể chính xác các thông số ngay từ đầu, nhưng ít nhất, trong bản kế hoạch kinh doanh này, bạn cần phác thảo được cách mà nhà hàng sẽ triển khai kinh doanh để thu hút khách hàng. Ví dụ như: chỉ phục vụ dịch vụ ăn uống thuần tuý, chỉ tập trung vào các dịch vụ đặt tiệc, kết hợp với bán đồ ăn online, giao tận nơi, hay hợp tác với các ứng dụng, đơn vị cung cấp giải pháp đặt bàn nhà hàng chuyên nghiệp,…

  • Phân tích thị trường mục tiêu:

- Gồm phân tích Đối thủ cạnh tranh và phân tích khách hàng mục tiêu: 

+ Phân tích Đối thủ cạnh tranh: Xác định xem họ là ai, ở đâu, có đang làm gì, họ có thế mạnh, điểm yếu gì? Nhà hàng của bạn nên khai thác khía cạnh nào để cạnh tranh hay tránh đối đầu với họ?

+ Phân tích khách hàng mục tiêu: Xác định các thông số về nhân khẩu học và hành vi của họ. Họ là ai, ở đâu, làm gì, thu nhập bao nhiêu, thói quen đi ăn nhà hàng như thế nào,….

Bước 3: Lập chiến lược Marketing nhà hàng

Marketing là một công cụ đắc lực giúp nhà hàng của bạn tìm thêm khách hàng và cũng đưa nhà hàng của bạn đến gần với khách hàng hơn. Sẽ chẳng có ai biết bạn bán gì, ở đâu, ra sao cho đến khi có marketing “chạm” tới họ.

>> Để lập kế hoạch marketing nhà hàng, bạn cần xác định được:

1. Liệt kê danh sách kênh marketing (facebook, instagram, zalo, website, băng rôn, tờ rơi,…)

2. Đánh giá ưu nhược điểm mỗi kênh và chốt các kênh sẽ chọn triển khai

3. Lên kế hoạch triển khai cụ thể của mỗi kênh: mục tiêu, thời gian triển khai, hoạt động sẽ làm, ngân sách, tính khả thi,…

>> Xem thêm: 25+ cách Marketing nhà hàng tăng doanh thu hiệu quả

Bước 4: Quản lý và vận hành hoạt động nhà hàng

Phần này sẽ chỉ ra phương châm cụ thể trong việc điều hành nhà hàng của bạn, giúp cho việc quản lý nhà hàng trở nên dễ dàng hơn.

>> Nội dung này bao gồm các mục sau:

  • Các nội quy nhà hàng:

- Quy định về thời gian, quy định về khâu chế biến, quy định về thái độ phục vụ,…

  • Đội ngũ nhân viên:

- Số lượng nhân viên, quy trình tuyển dụng, đào tạo, mức lương cụ thể cho từng vị trí, các quy định, chính sách về kỷ luật và khen thưởng.

  • Lịch trình làm việc:

- Thời gian làm việc cụ thể cho các vị trí và thời gian hoạt động của nhà hàng.

  • Nhà cung cấp:

- Thông tin về các nhà cung cấp bao gồm chi phí nguyên liệu, chất lượng sản phẩm và quy trình vận chuyển,…

Bước 5: Phân tích đầu tư

Mục này bao gồm hai nội dung chính:

  • Nguồn tiền đầu tư và tỷ lệ góp vốn
  • Cách thức phân chia lợi nhuận

Bước 6: Định hướng phát triển nhà hàng

Ở phần này, bạn cần đưa ra hai giả thiết phát triển cho nhà hàng của mình.

- Nếu như nhà hàng của bạn kinh doanh ổn định, thu về lợi nhuận tốt thì bạn nên có những kế hoạch lâu dài để nâng cao chất lượng dịch vụ hay mở rộng hệ thống và địa bàn kinh doanh.

- Ngược lại, nếu công việc làm ăn của nhà hàng xảy ra thua lỗ, trì trệ thì bạn cần đề ra những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này, đề phòng những rủi ro lớn trong tương lai. Mục này nên có thời hạn khắc phục cụ thể, đồng thời phải có bài toán thu hồi vốn hoặc chấp nhận đóng cửa nhà hàng, cắt lỗ.

Bước 7: Hoạch định kế hoạch tài chính

Là bước cuối cùng nhưng cũng là bước quan trọng trong một bản kế hoạch kinh doanh nhà hàng. Ở bước này, bạn cần nêu ra chính sách sử dụng nguồn vốn và thu lợi nhuận.

>> Nội dung chính bao gồm các mục sau:

  • Xác định nguồn vốn ban đầu và cách thức sử dụng nguồn vốn
  • Báo cáo doanh thu (theo từng tháng, quý, năm)
  • Xác định điểm hòa vốn
  • Dự tính lợi nhuận

Trên đây là phác thảo mẫu 7 bước để lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng chi tiết. Tùy thuộc vào mô hình hoạt động và thời điểm khác nhau, mà bản kế hoạch kinh doanh của mỗi nhà hàng là khác nhau, nhưng đa số đều dựa trên khung sườn 7 bước trên. Hi vọng đây sẽ là các thông tin hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu các kinh nghiệm mở nhà hàng, quán ăn.

Chúc các bạn kinh doanh nhà hàng thành công,

Thân ái,

--

Nguồn tham khảo: F&Bvietnam.

--

XEM THÊM

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0