Heli Pham – PasGo Team- 27/08/2020
Những cá thể khác biệt luôn chiếm số ít trong tập thể, và có vẻ bất lợi hơn phần đông còn lại. Nhưng sức mạnh của cái được gọi là đa số không hẳn lớn lao như số lượng của nó. Đó là lý do thiểu số có thể trở thành “kẻ mạnh”.
Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi, để xác định các nhân tố giúp bạn khai thác tìm ra điểm khác biệt cho thương hiệu nhà hàng, quán ăn của mình nhé!
Theo thông tin từ Hiệp hội nhà hàng Việt Nam, tính đến đầu năm 2020, có khoảng hơn 540.000 nhà hàng, quán bar, quán ăn... đang hoạt động trên toàn quốc. Trong đó, có hơn 400.000 nhà hàng, quán ăn nhỏ, 80.000 nhà hàng độc lập cùng các nhà hàng trong khách sạn được đầu tư bài bản, và các loại khác. Điều này có nghĩa là gì?
Nghĩa là nếu nhà hàng của bạn không tạo được dấu ấn riêng biệt trong lòng thực khách, thì bạn cũng sẽ giống như mấy trăm nghìn nhà hàng kia, khách hàng đến rồi đi và sẽ quên lãng bạn nhanh chóng.
Tại sao cũng là chả cá nhưng phải là chả cá Lã Vọng, tại sao cũng là café trứng nhưng phải là café trứng Giảng?
Nhiều nhà hàng sinh sau đẻ muộn thường có xu hướng bê nguyên mô hình kinh doanh có sẵn vào áp dụng. Việc làm này chẳng khác nào tự biến mình thành một bản sao của người khác. Vấn đề là mô hình kinh doanh thành công đó của họ đã có sẵn một thị phần đủ lớn và có thể không còn chỗ cho bạn chen chân. Bởi vậy, nếu không chịu tìm ra điểm khác biệt, không tìm ra được thị trường ngách thì bạn sẽ rất khó để thu hút được khách hàng. Nhận thức được điều này sẽ giúp bạn thoát ra khỏi vũng lầy giữa các nhà hàng nhân bản đại trà tràn lan hiện nay.
Những cá thể khác biệt luôn chiếm số ít trong tập thể, và có vẻ bất lợi hơn phần đông còn lại. Nhưng sức mạnh của cái được gọi là đa số không hẳn lớn lao như số lượng của nó. Đó là lý do thiểu số có thể trở thành “kẻ mạnh”. Trong kinh doanh nhà hàng, triết lý này đặc biệt đúng. Bởi nếu bạn thuộc về thiểu số là bạn đang sở hữu sức mạnh “khác biệt” có khả năng hấp dẫn mọi khách hàng.
Bản quyền là một cách để khẳng định sự độc nhất của sản phẩm. Bạn cũng nên làm như vậy với nhà hàng của mình. Và điều bạn cần làm chính là ghi dấu vị trí độc tôn trong lòng khách hàng. Chính sự khác biệt sẽ giúp bạn tạo nên những dấu ấn thương hiệu đặc biệt đó.
Có 5 nhân tố quan trọng nhất có thể giúp bạn khai thác để tạo nên dấu ấn thương hiệu đặc biệt cho nhà hàng của mình, đó là: Món ăn, không gian, mức giá, nhân sự và chất lượng dịch vụ. Hãy cũng xem bạn có thể tạo nên sự khác biệt như thế nào từ các nhân tố này nhé!
Trên thực tế, xây dựng thương hiệu từ sự khác biệt trong các món ăn là một cách làm không hề đơn giản. Nguyên nhân là vì việc sáng tạo nên những món ăn hoàn toàn mới giữa trăm ngàn các công thức rất khó. Điều này đòi hỏi các đầu bếp phải có trình độ rất cao mà phần lớn quy mô nhà hàng tại Việt Nam đều rất hiếm. Do đó, sự sáng tạo ở đây chỉ được xem xét ở mức thay đổi nguyên liệu, gia vị, phương pháp chế biến.
Một lý do khách quan nữa đến từ chính cảm nhận của khách hàng. Họ không đủ tinh tế như những chuyên gia ẩm thực để phân biệt được tất cả những gia vị mà đầu bếp nêm nếm. Do vậy khái niệm độc đáo trong sản phẩm món ăn chỉ mang tính tương đối nhất định.
Vì vậy, khi muốn xây dựng thương hiệu bằng sự khác biệt trong sản phẩm món ăn, bạn không cần cố công tìm kiếm những đầu bếp giỏi với những công thức mới, khác biệt hoàn toàn với các nhà hàng khác. Thay vào đó, bạn nên xem xét đến việc thay đổi nguyên liệu, cách trình bày, cách nấu, cách thưởng thức,… để tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng, là đủ.
Ví dụ: Thay vì ăn lẩu nhúng trực tiếp vào nước theo cách thông thường thì các nhà hàng tạo ra cách ăn lẩu hấp bằng hơi; Thay vì ăn món nướng trên bếp than hoa thông thường thì họ tạo nên trào lưu nướng ngói (nướng trên một viên ngói), hoặc nướng trên đá núi lửa,… Tất cả các sáng tạo trên đều được thực khách nhanh chóng đón nhận và tạo nên một trào lưu ăn uống mới hiện nay.
Nếu việc xây dựng thương hiệu từ sự khác biệt món ăn có vẻ “khó nhằn” thì khác biệt không gian có lẽ là một cách làm dễ dàng hơn.
Ngày nay, khách đến quán của bạn không phải chỉ để ăn cho no, mà còn là để “thưởng thức món ăn”, và không gian nhà hàng là một yếu tố cấu thành nên điều này. Một nhà hàng với không gian đẹp sẽ làm trọn vẹn cảm xúc của thực khách khi thưởng thức món ăn.
Thậm chí, không gian nhà hàng đôi khi lại trở thành một điểm sáng, thu hút hơn hẳn những yếu tố khác. Nhất là đối với giới trẻ thời công nghệ số khi mà “check in” trở thành một hoạt động không thể thiếu. Khách hàng có thể phàn nàn về chất lượng, giá cả, dịch vụ nhưng họ vẫn có thể “hào phóng” cộng điểm nếu thiết kế không gian nhà hàng đẹp ấn tượng.
Nhưng khuyến cáo bạn rằng món ăn vẫn là sản phẩm cốt lõi của nhà hàng nhé. Nếu quá chú trọng vào không gian, mà để món ăn dở tệ thì dù có đẹp đến khách hàng cũng khó quay lại với bạn lần hai.
Những chuyên gia giàu kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng luôn lưu ý bạn cần phải đưa ra mức giá có độ cạnh tranh cao. Tuy nhiên đâu là mức giá cạnh tranh mà bạn cần cân nhắc?
Nhiều chủ nhà hàng cho rằng mức giá cạnh tranh phải là mức giá rẻ nên cố gắng hạ giá nhằm chào mời khách hàng nhưng kết quả không đạt được lợi nhuận đủ bù vốn. Bạn nên nhớ rằng việc định giá phải bao gồm cả chi phí về nguyên liệu, điện nước, nhân sự, thuê địa điểm,... Vì vậy mức giá bạn đặt ra ít nhất phải đảm bảo hoà vốn.
Hơn nữa, việc giảm giá chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn bởi nếu duy trì quá lâu khách hàng sẽ không nhận thấy giá trị của đợt khuyến mãi, làm giảm hiệu quả kích cầu. Một số chủ nhà hàng lại kiên trì mức giá thấp hơn trung bình, chấp nhận lời ít nhưng lại “phản tác dụng”. Có thể khách hàng nghĩ rằng sản phẩm của bạn không đảm bảo chất lượng nên mới đặt giá thấp.
Như vậy, có thể thấy không phải mức giá rẻ là mức giá cạnh tranh. Đôi khi đặt ra mức giá cao lại thu hút hơn nhiều.
Một ví dụ tiêu biểu cho chiến lược này chính là Apple, bạn có thể thấy mỗi sản phẩm của hãng ra mắt đều được công chúng săn đón mặc dù có mức giá trên trời. Tất nhiên, để đưa ra mức giá này bạn phải đảm bảo dịch vụ và món ăn của nhà hàng là hoàn hảo.
Xây dựng thương hiệu bằng sự khác biệt mức giá – không phải là một cách thức dễ làm, đôi khi nó cũng là con dao hai lưỡi. Bởi vậy, trước khi quyết định mức giá, bạn cần cân nhắc và tính toán thật kỹ nhé.
Nghiệp vụ chuyên nghiệp, ngoại hình sáng lạn là những yếu tố đầu tiên bạn có thể cân nhắc để tạo ra sự khác biệt trong đội ngũ nhân viên quán ăn.
Thật khó để quyết định nên chọn nhân viên có tác phong nhanh nhẹn, nghiệp vụ chuyên môn tốt – hay – nên chọn nhân viên có ngoại hình cao ráo ưu nhìn và kỹ năng kém một chút vẫn được, phải không?
Câu trả lời cho bạn là “lựa cơm gắp mắm”. Ví dụ: Với những vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như nhân viên lễ tân, phục vụ bàn hãy ưu tiên sắp xếp những nhân viên ưa nhìn ở vị trí này để gia tăng thiện cảm của khách,...
Ngoài ra, bạn cũng hoàn toàn có thể tạo được dấu ấn thương hiệu riêng từ bộ phận nhân sự, bằng cách tuyển chọn nhân viên theo hướng khác biệt nhưng đồng đều nhau. Ví dụ: chỉ tuyển các nhân viên phục vụ là các cặp song sinh, hoặc chỉ tuyển nhân viên là trẻ em mồ côi cơ nhỡ,…
Thật khó để xác định “Thế nào là một nhà hàng có chất lượng dịch vụ tốt” phải không? Vì tiêu chí và tiêu chuẩn của mỗi khách hàng là khác nhau, hài lòng với bạn, nhưng không hài lòng với tôi. Nhưng, điểm chung nhất là tốc độ phục vụ nhanh, và thực hiện chính xác yêu cầu của khách. Khá là đơn giản so với các biểu mẫu đánh giá mà bạn từng nghe qua đúng không? Tuy nhiên về hiệu quả của dịch vụ khách hàng lại thêm một yếu tố nữa, đó là lượng khách hàng quay lại.
Tại Việt Nam, khách hàng vẫn được coi là thượng đế, được phục vụ tận tình hết mực. Nhưng dù thế vẫn có những yêu sách từ phía khách hàng khó chiều. Nếu bạn mệt mỏi với việc này, hãy thử hình thức kinh doanh nhà hàng trải nghiệm.
Tất nhiên, bạn vẫn sẽ phải phục vụ khách hàng như thường, nhưng cộng thêm vào đó các dịch vụ trải nghiệm cho khách, khiến họ bất ngờ, hứng thú tham gia vào phần trải nghiệm mà quên đi các yêu sách của mình.
Ví dụ như: Rút thăm may mắn, tặng bánh sinh nhật, hay cho các gia đình có con nhỏ trải nghiệm tự nặn bánh cùng nhau,…
Bạn có chắc chắn mình là người hiểu nhà hàng của mình nhất không? Nếu câu trả lời là “CÓ” thì hãy nhanh chóng tìm ra (hoặc xác định lại) điểm khác biệt trong dấu ấn thương hiệu cho quán của bạn dựa trên 5 nhân tố trên. Hi vọng bài viết này hữu ích đối với bạn. Hãy like (yêu thích) hoặc bình luận góp ý của bạn để chúng tôi có động lực chia sẻ nhiều hơn nữa nhé.
Cảm ơn và chúc các bạn kinh doanh nhà hàng thành công!
Thân ái,