Những ý tưởng kinh doanh quán ăn độc đáo dành cho người “dám làm”

Ngày cập nhật:24/09/2020

Kinh doanh quán ăn không hề đơn giản, để có một ý tưởng kinh doanh tốt cũng không hề dễ. Bài viết này còn cho bạn câu trả lời về một ý tưởng kinh doanh khả thi. Hãy theo dõi cùng chúng tôi nhé!


Mục lục

Trước tiên là tổng hợp một số ý tưởng kinh doanh độc đáo, thậm chí siêu độc đáo, có 1-0-2. Một vài trong số đó đã được triển khai tại Việt Nam.

Những không gian đặc biệt, có 1-0-2

Ngoài món ăn ngon thì không gian là yếu tố thứ hai quyết định phần lớn đến sự kinh doanh thành bại của một nhà hàng, quán ăn. Đó là lý do đã khiến không ít các Chủ nhà hàng sẵn sàng chịu chi vài chục, thậm chí hàng trăm triệu chỉ riêng cho bộ phận thiết kế, decor ý tưởng không gian, nhận diện thương hiệu.

Ý tưởng không gian càng đặc biệt càng tạo được dấu ấn với thực khách. Dưới đây là một vài gợi ý độc đáo:

1. Tái hiện từ một cuốn truyện tranh, tiểu thuyết hay bộ phim nổi tiếng nào đó.

Ví dụ: Pao Quán Trần Thái Tông – tái hiện không gian Tây Bắc từ phim “Chuyện của Pao”. Lương Sơn Quán – tái hiện không gian kiếm hiệp từ bộ tiểu thuyết Thuỷ Hử nổi tiếng của Trung Quốc,…

2. Tạo ra những địa điểm không gian chẳng giống ai.

Ví dụ như dùng bữa ở trên không trung, nhà hàng bay lơ lửng trên khinh khí cầu,..

3. Trang trí nội thất bằng những thứ khác thường

Ví dụ: Nhà hàng bồn cầu – với toàn bộ bàn ăn, bát đĩa, nồi lẩu,… đặt trên mô hình bồn cầu,… Hay nhà hàng ma zombie với các bát, đĩa, món ăn,… trình bày như trong lễ hội haloween, càng kinh dị càng độc đáo,…

4. Siêu to khổng lồ

Hẳn các bạn vẫn còn nhớ hiện tượng youtube “Bà Tân Vlog” chứ? Mặc dù không còn độ “hot” như thời kỳ đầu mới ra mắt, nhưng “Bà Tân Blog” là một ví dụ điển hình cho sự thành công với nội dung thông điệp hướng đến những thứ siêu to khổng lồ.

Lý do thành công rất đơn giản: Vì nó khác với những thứ “be bé” chúng ta vẫn thấy, vẫn ăn hằng ngày, rồi chúng ta bị hiếu kỳ và cảm thấy thích thú, muốn được nhìn thấy, muốn được ăn thử. Vậy thôi!

Chiếc pizza mì tôm siêu to khổng lồ, mâm phô mai que cắn ngập răng, hay cốc sữa bắp 50 lít uống 3 ngày không hết,… đều là những thứ thức ăn mới nghe tên đã thấy hấp dẫn rồi.

Với mô hình kinh doanh nhà hàng, quán ăn thì ý tưởng kinh doanh với thực đơn có thêm 1, 2 món siêu to khổng lồ, thậm chí toàn bộ thực đơn đều là các món siêu to khổng lồ,… cũng là một gợi ý không tồi. Chưa kể, mô hình kinh doanh các món siêu to, siêu lớn này cũng sẽ giúp các chương trình quảng cáo xúc tiến bán hàng thu hút hơn rất nhiều. Quán ăn của bạn có dám thử làm không?

5. Chỉ bán duy nhất một món ăn

Mở quán theo mô hình này khi và chỉ khi bạn sở hữu một công thức món ăn độc quyền “không đối thủ”. Đây vừa là thế mạnh vừa là thách thức đối với nhà hàng, vì với các nhà hàng kiểu này, thực khách thường có xu hướng yêu cầu cao hơn về chất lượng món ăn

Nếu đó là món duy nhất bạn phục vụ khách hàng, hãy khiến đó trở thành món ăn xứng đáng với kỳ vọng của thực khách. Không còn gánh nặng tồn kho, không mất chi phí thiết kế thực đơn dài lê thê, cũng chả mất công tư vấn nhiều món,… là những lợi thế dành cho mô hình quán ăn độc đáo này.

6. Từ nông trại đến bàn ăn

Nghe tên đã thấy “sạch” rồi nhỉ?

Ý tưởng này là mô hình cung cấp món ăn thực sự tươi sạch, an toàn, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, mà chúng ta hay gọi là “từ nông trại đến bàn ăn”. Mô hình kinh doanh này hiện nay không còn quá “mới” vì đã có không ít các nhà hàng áp dụng, họ tự xây dựng nông trại tự cung tự cấp cho quán.

Bởi vì nó không còn “mới”, nên để tạo nên sự độc đáo khác lạ với ý tưởng kinh doanh này thì quán của bạn buộc phải tạo ra sự độc đáo ở mô hình “nông trại”, sao cho khác với ý tưởng nông trại của nhà hàng khác. Ví dụ cũng là nuôi gà đẻ trứng, nhưng thay vì cho gà ăn thóc thông thường thì bạn cho gà ăn thóc tám, hay cho gà ăn cám trộn lẫn nấm linh chi,… để thu được những quả trứng gà linh chi thơm ngon, bổ dưỡng hơn,…

Tất nhiện, để thực hiện được ý tưởng này không dễ. Nhà hàng cần có nguồn lực, quy mô nhất định cũng như hệ thống chuỗi cung ứng thực sự tốt để đảm bảo tính đồng nhất chất lượng món ăn, và tính minh bạch về thông tin các món ăn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm rõ ràng.

7. Quán ăn di động (Food Truck)

Food truck (xe bán đồ ăn) là mô hình kinh doanh gặp rất nhiều ở các nước phương Tây, nhưng lại chưa quá phổ biến tại Việt Nam.

Chỉ cần một chiếc xe với một vài dụng cụ nhà bếp căn bản nhất – là bạn đã có một quán ăn di động để bắt đầu công việc kinh doanh ăn uống của mình rồi. Ý tưởng kinh doanh quán ăn độc đáo này hướng tới nhóm khách hàng bình dân, có nhu cầu ăn đơn giản, ăn nhanh. Mô hình này giúp giảm chi phí mặt bằng, nhân công, tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng và tối giản hóa việc tồn kho nguyên vật liệu.

Tuy vậy, trước khi bắt đầu, bạn hãy tìm hiểu kỹ thêm về các điều kiện mở quán ăn kiểu này tại Việt Nam nhé.

8. Nhà hàng trong bóng tối

Thật là một sự “kích thích không hề nhẹ” khi dùng bữa trong một không gian tối om phải không? Bạn sẽ chỉ tập trung “cảm nhận” về món ăn được mang đến trước mặt hay bạn sẽ tưởng tượng lung tung đến các cảnh rùng rợn nào?

Trải nghiệm ăn uống thông thường chỉ dừng lại ở vị giác, thị giác, thính giác, chưa kể đến các giác quan khác. Nhà hàng trong bóng tối là ý tưởng kinh doanh quán ăn độc đáo không phải chủ đầu tư nào cũng dám làm. Với mô hình kinh doanh này, thực khách sẽ được trải nghiệm ăn uống trong môi trường thiếu ánh sáng. Việc không sử dụng được thị giác để cảm nhận món ăn sẽ khiến vị giác và thính giác của thực khách dường như nhạy bén hơn, khiến họ cảm thấy ngon miệng hơn khi việc đánh giá món ăn hoàn toàn dựa vào cái lưỡi của mình.

Ý tưởng độc đáo này chỉ nên áp dụng khi bạn muốn hướng tới nhóm khách hàng cao cấp, sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm độc đáo. Và tất nhiên rồi, bạn cũng cần tìm được một bộ phận bếp thực sự đẳng cấp, với những món ăn chất lượng không thể chê.

9. Kết hợp nhà hàng với các dịch vụ khác

Nhà hàng – rạp phim, nhà hàng – bar – café, nhà hàng – karaoke, nhà hàng – spa,… là những ý tưởng kinh doanh kết hợp khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam.

Công bằng mà nói thì các ý tưởng này không có gì gọi là quá “độc đáo”, tuy nhiên, nó dễ làm vì nhiều người dám làm, bởi nhìn thấy tính khả thi cao hơn.

Tuy nhiên, độc đáo hay không, không chỉ phụ thuộc vào ý tưởng, mà còn phụ thuộc vào cách thức bạn thực hiện ý tưởng đó như thế nào.

Quá độc đáo cũng không phải là một giải pháp hay, khi ý tưởng đó không hề có tính khả thi. Mời bạn đọc tiếp phần sau dưới đây nhé!

Thế nào là một ý tưởng kinh doanh tốt?

Ý tưởng kinh doanh thường nảy ra bất ngờ, ở khắp mọi nơi. Ngay khi có ý tưởng, bạn liền nghĩ đến việc thực hiện nó, nhưng liệu ý tưởng đó có khả thi? Bạn đã nghĩ đến chưa?

Cũng có những ý tưởng khả thi nhưng khi thực hiện gặp khó khăn, chủ nhà hàng lại không biết cách điều chỉnh hoặc điều chỉnh chậm, không theo kịp thị trường, đối thủ.

Những ý tưởng chưa hoàn thiện kiểu đó, sẽ khiến nhà hàng bạn rơi vào thất bại nhanh chóng.

Một ý tưởng kinh doanh tốt là phải tính toán được độ khả thi và luôn có kế hoạch dự phòng cho những phát sinh trong quá trình thực hiện.

>> Làm thế nào để biết ý tưởng kinh doanh có khả thi hay không?

- Những phản hồi của khách hàng chính là tính khả thi của ý tưởng.

- Nếu họ bị thu hút, khen ngợi nhà hàng bạn thì chúc mừng, bạn đã thành công một nửa. Ngược lại, nếu quá nửa khách hàng không hứng thú, có lẽ bạn cần xem xét lại ý tưởng kinh doanh của mình.

- Có rất nhiều cách để xác định tính khả thi của ý tưởng, nhưng cách đơn giản và an toàn nhất chính là chủ nhà hàng nên hiện thực hóa ý tưởng đó ở quy mô thử nghiệm trước khi tung ra thị trường. Hãy tái hiện ý tưởng của bạn ở quy mô nhỏ (có thể là món ăn, có thể là không gian, cách thức trải nghiệm,…) và mời những người dân quanh khu vực mở nhà hàng đến ăn thử và trải nghiệm dịch vụ nhà hàng, sau đó lấy ý kiến làm tư liệu nghiên cứu. Nếu 60% khách hàng hài lòng thì bạn đã có thể bắt tay vào setup nhà hàng. Cách làm này phần tốn kém nhưng hiệu quả thu về khá cao.

Bạn đã có ý tưởng nào cho quán ăn của mình rồi? Bài viết này có thôi thúc bạn bắt đầu thử nghiệm một ý tưởng nào đó chưa? Không cần quá vội vàng. Chúc bạn có một ý tưởng kinh doanh quán ăn hoàn thiện trước khi thực sự bắt tay khởi nghiệp nhé!

Đừng quên theo dõi chuyên mục “Kinh doanh ăn uống” trên Blog PasGo của chúng tôi để cùng cập nhật và chia sẻ những thông tin, kiến thức mới nhất về ngành kinh doanh ẩm thực F&B (Food & Beverage)

Chúc các bạn kinh doanh nhà hàng thành công,

Thân ái,

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0