9 bí quyết vàng thể hiện món ăn trong Menu để tăng doanh thu

Heli Pham – PasGo Team- 27/09/2020

“Làm cách nào để tăng doanh thu cho nhà hàng, quán ăn” – là câu hỏi luôn trăn trở của các Anh Chị chủ nhà hàng. Câu trả lời bạn nhận được có thể sẽ là “có rất nhiều cách”. Thật chung chung phải không?


Mục lục

Nhưng có một cách đơn giản nhất, ngắn nhất, bạn có thể làm nhanh nhất ngay từ khi bắt đầu mở quán, đó là tối ưu khi thiết kế menu cho quán.

Dưới đây là chia sẻ về 9 bí quyết thể hiện các món ăn trong menu để vừa đẹp, vừa thu hút thực khách, lại kích thích họ chọn món và chi tiêu nhiều tiền hơn cho nhà hàng của bạn. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của PasGo nhé!

1. Hạn chế viết các đơn vị tiền tệ trong menu

Các nghiên cứu của Khoa Quản trị Khách sạn - Trường Đại Học Cornell (Mỹ) đã chỉ ra rằng: khi bước vào một nhà hàng, quán ăn, đa số thực khách thường có tâm lý dè chừng hơn trong việc chi tiêu khi nhìn thấy thực đơn có ghi giá tiền.

Tuy vậy, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng: thực khách cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi cầm cuốn thực đơn có ghi giá tiền cụ thể thay bằng không ghi gì cả.

Vậy quản lý nhà hàng phải làm sao?

Cách tốt nhất trong trường hợp này đó là: vẫn ghi giá tiền, nhưng đó chỉ là các con số, và đừng ghi các đơn vị tiền tệ bên cạnh (Đ, Đồng, VNĐ, hay USD,…)

Việc không ghi các đơn vị tiền tệ trong menu cũng là một cách làm giảm phần nào sự chú ý của thực khách vào các con số. Và điều giúp làm giảm sự tập trung của họ vào giá bán, họ sẽ bắt đầu để ý đến tên món ăn, mô tả món ăn và những điều hay ho khác mà bạn đang thể hiện trong cuốn menu “biết nói” của mình.

2. Bỏ đi các con số “0” trong giá bán món ăn

5$, 10$ thì cách viết quá đơn giản rồi phải không?

Nhưng hãy tưởng tượng những cột ghi giá bán món ăn tiền Việt: 50.000Đ, 100.000Đ, 200.000Đ, 1000.000Đ,…. Bạn có bị thu hút bởi các con số này không?

Nếu câu trả lời là “có” thì bạn đã thất bại trong cách tối ưu cho một cuốn menu đẹp rồi. Thực khách của bạn sẽ bị phân tâm vào các con số đó và dè dặt chi tiêu hơn.

Lời khuyên ở đây là bạn hãy bỏ bớt đi các số “0” không cần thiết ở trong các giá bán trên. Ví dụ: thay vì ghi 50.000VND, hãy ghi 50 hoặc 50k.

3. Viết giá thực đơn bằng các con số lẻ

Người Trung Quốc xưa tin tằng: giống như tất cả mọi vật trong thiên nhiên, các con số có tính âm - dương khác nhau. Những con số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) được coi là những con số dương. Những con số chẵn (2, 4,6, 8) được coi là những con số âm. Họ cũng cho rằng dương tính là biểu hiện của sự phát triển và tăng trưởng, bởi vậy người Trung Quốc yêu thích các con số lẻ hơn.

Việt Nam chúng ta ngày nay vẫn còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Nho giáo xa xưa này của Trung Quốc, nên đa phần mọi người cũng có xu hướng yêu thích các con số lẻ hơn số chẵn.

Nắm bắt được điều này, các chuyên gia kinh tế học khuyên các ông chủ kinh doanh nhà hàng nên biết tận dụng tâm lý này của khách hàng khi thể hiện các thông điệp truyền thông. Việc ghi giá bán món ăn trong menu (thực đơn) là một cách có thể áp dụng như vậy.

Ví dụ:

Sau khi tính toán, bạn xác định giá bán của một món “Bò bít tết” là 300.000đ. Nhưng thay vì viết con số 300.000VND vào menu, bạn nên chọn một con số lẻ gần sát nhất để viết. Câu hỏi tiếp theo là: bạn sẽ chọn giá bán là 299.000đ hay 301.000đ?

Câu trả lời là: 299.000đ nhé. Vì bạn thấy đấy, nhìn thấy số 2 hàng trăm đứng đầu tiên sẽ có “cảm giác” ít tiền hơn khi nhìn thấy số 3 đứng đầu, phải không? Và nhớ, hãy viết là 299 hoặc 299k.

4. Tránh sắp xếp các món ăn theo giá tăng dần hoặc giảm dần

Vì điều này sẽ thu hút khách hàng bị tập trung vào việc so sánh giá bán các món ăn và dè dặt chi tiêu, thay vì chú ý vào các điểm thú vị khác trong thực đơn. Theo đó, bạn có thể sắp xếp các món ăn theo từng mục. Ví dụ: món khai vị, món chính (món gà, món bò, hải sản,…)

5. Đặt tên cho món ăn một cách ấn tượng hoặc hài hước

Thay vì chỉ là tên các món ăn đơn điệu như: rau muống luộc, rau lang xào, bê tái chanh,… bạn có thể sáng tạo ra một vài cái tên hay mĩ miều cho nó, kích thích trí tưởng tưởng và tò mò của thực khách. Ví dụ như:

  • Trứng ốp la: Mặt trời quầng chân mây
  • Cá rán: Xe ông Táo lội vạc dầu
  • Trứng tráng: Nắng rải vàng hè rực rỡ
  • Canh rau ngót: Bèo trôi mặt hồ

Toàn là những món ăn rất đỗi bình thường, nhưng đọc lên thật ấn tượng phải không? Tuy nhiên, tuỳ theo phong cách ẩm thực và phân khúc khách hàng của nhà hàng mà bạn lựa chọn cách thể hiện và ngôn từ cho phù hợp nhé. Không nên sử dụng ngôn từ xuồng xã đối với menu nhà hàng sang trọng. Ngược lại với các nhà hàng bình dân, hãy dùng từ ngữ thể hiện nó gần gũi và đơn giản một chút.

Ngoài ra, cũng không nên quá lạm dụng cách đặt tên này, vì cái gì “quá” cũng sẽ thành nhàm chán. Trong một thực đơn, chỉ nên chọn khoảng 2, 3 món cho cách đặt tên ấn tượng này là “đủ”

6. Mô tả cho món ăn bằng hình ảnh hoặc đoạn văn

Hình ảnh trực quan là yếu tố đầu tiên thu hút mắt nhìn của con người. Một nghiên cứu của trường Đại học Illinois - Chicago, Mỹ, thậm chí đã chỉ ra rằng: Việc sử dụng hình ảnh mô tả món ăn trên menu có tác dụng giúp tăng 27% doanh số bán hàng của nhà hàng so với chỉ sử dụng menu bằng text đơn điệu thông thường.

Ngoài ra, việc mô tả bằng những câu văn hay đoạn viết ngắn cũng giúp tạo ấn tượng cho món ăn đó. Nghiên cứu bổ sung cho thấy khách hàng sẽ có cảm tình với các đoạn mô tả món ăn gắn liền với yếu tố: gia đình, lòng yêu nước, hay làm tại nhà... Ví dụ, bạn có thể nói về nguồn gốc quốc gia của món ăn hoặc nói về bất kỳ thành phần nào được làm thủ công bằng tay,...

7. Đặt tên món ăn gắn liền với gia đình

Vẫn là dựa trên nghiên cứu tâm lý thực khách thường có cảm tình với các yếu tố gắn liền với tình cảm gia đình đã nói ở trên. Bởi với mỗi người Việt Nam, hình ảnh bữa cơm cả gia đình quây quần bên nhau luôn là một thứ kỷ niệm thiêng liêng, đánh thẳng vào cảm xúc của con người nhất.

Nhiều nhà hàng đã rất thông minh, đặt tên món ăn như: Cơm nhà mẹ nấu, canh cua bà ngoại, mì xào ông nội,… Nghe thật tình cảm phải không?

Theo các chuyên gia ẩm thực, điều này khiến thực khách cảm thấy gần gũi thân thuộc, từ đó thích thú hơn khi dùng bữa ở ngoài, khách hàng quay trở lại nhà hàng nhiều hơn và tất nhiên rồi, doanh thu nhà hàng cao hơn.

8. Tập trung thể hiện ở khu vực “điểm rơi” của mắt nhìn

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: góc trên cùng bên phải của mỗi tờ menu sẽ là nơi khách hàng nhìn đầu tiên và ghi nhớ nó tốt hơn so với các khu vực khác. Vì vậy, hãy tận dụng khu vực này để “trình bày” những gì bạn muốn bán nhất. Có thể là một món mới, món đang được đánh giá ngon nhất, hoặc món mang lại lợi nhuận cao nhất cho nhà hàng của bạn,….

>> Xem thêm: Cách sử dụng ma trận Boston để xác định danh sách món ăn hiệu quả.

9. Số lượng bao nhiêu món trong menu là “đủ”?

Dù bếp nhà bạn có khả năng làm được vài trăm món ăn đảm bảo ngon, thì bạn cũng đừng bao giờ nghĩ đến việc đem toàn bộ vài trăm món đó vào menu nhà hàng nhé.

Bởi theo các chuyên gia tâm lý, thực khách khi chọn thực đơn thường có sự ưu tiên cho một con số nhất định: nếu số lượng món ăn quá ít, họ sẽ cảm thấy quán nghèo nàn, đơn điệu. Nhưng nếu danh sách quá nhiều lựa chọn, họ sẽ trở nên lúng túng, chẳng biết chọn món nào. Kết quả là:

● Ở các cửa hàng đồ ăn nhanh, con số lý tưởng là 6 món cho mỗi thể loại (khai vị, món chính, tráng miệng);

● Còn trong những nhà hàng, thông thường con số này là 7 món khai vị và 10 món chính.

Hãy tạo nên một menu hiệu quả thay vì một menu chỉ “đẹp”. Menu hiệu quả là menu mang lại cho bạn nhiều lợi nhuận. Nói một cách khác, một menu hiệu quả cũng giống như một nhân viên marketing đang quảng cáo âm thầm cho nhà hàng của bạn vậy.

Chúc các bạn kinh doanh thành công,

Thân ái,

--

XEM THÊM


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0