Không đồng ý để khách mang thức ăn thừa về, nhà hàng đúng hay sai

Ngày cập nhật:22/10/2020

Trong hoạt động kinh doanh nhà hàng, việc “mang thức ăn thừa từ nhà hàng về” - được coi là một hành động “nhạy cảm” đối với cả khách hàng và nhà hàng.


Mục lục

Đứng trên quan điểm của thực khách, nhiều người cho rằng:

- Việc ăn không hết, nhờ nhân viên phục vụ đóng gói đồ ăn thừa để mang về nhà dùng nốt: là hành động lịch sự, thể hiện việc bản thân không lãng phí. Vì có để lại nhà hàng thì thức ăn thừa đó cũng bị đổ đi.

- Thực khách khác lại cho rằng: Việc yêu cầu đóng gói đồ ăn thừa mang về là quyền lợi hợp lý của khách hàng, vì họ đã trả tiền cho cả bữa ăn đó rồi, họ có toàn quyền sử dụng với số lượng thức ăn đã mua.
- …

Tuy nghĩ là vậy, nhưng thực tế ở các nhà hàng Việt Nam, rất nhiều bàn còn thừa đầy thức ăn mà không có bất cứ yêu cầu đóng gói mang về nào. Điều này, đôi khi xuất phát từ tâm lý của thực khách: “xấu hổ”. Họ ngượng ngùng, xấu hổ vì sợ những người đi ăn cùng, hoặc nhân viên nhà hàng đánh giá mình là người keo kiệt, tính toán, đến đồ ăn thừa từ nhà hàng mà cũng gói mang về, mất hết sĩ diện,…

Đứng trên quan điểm của nhà hàng, theo quan sát của PasGo chúng tôi thì đa số các nhà hàng tại Việt Nam, khi được thực khách yêu cầu đóng gói đồ ăn mang về, họ đều đồng ý, và nhanh chóng giúp khách đóng gói thức ăn thừa cẩn thận. Nhưng cũng có một số ít các nhà hàng không đồng ý đáp ứng yêu cầu này của khách.

Vậy việc không đồng ý để khách mang thức ăn thừa về, là nhà hàng đúng hay sai? Hãy theo dõi câu chuyện dưới đây của PasGo chúng tôi tổng hợp nhé!

Câu chuyện đi ăn thứ nhất

Tại nhà hàng 2 sao Michelin ở Mayfair, nước Anh, trong một lần dùng bữa ở đây, cô gái Luisa Gottardo đã bị sốc vì cách hành xử của nhân viên phục vụ. Khi cô kết thúc bữa ăn bằng món Risotto (món cơm kiểu Italy) nhưng không ăn hết, với tâm lý tiết kiệm, cô yêu cầu nhà hàng gói những thứ còn thừa vào hộp để mang về. Nhưng những gì cô nhận lại chỉ là cái lắc đầu!

Khi cô phàn nàn điều này với quản lý trực tiếp tại nhà hàng, anh ta cũng lạnh lùng tiễn cô ra cửa, với thông báo khẳng định rằng: quy định của nhà hàng không cho phép khách hàng mang đồ ăn thừa về!!!

Câu chuyện đi ăn thứ hai

Ian Hogan và cô con gái nhỏ dùng bữa tối tại một khách sạn cao cấp ở Hunter Valley, Australia. Khi con gái không ăn hết suất mỳ ống, anh đã yêu cầu nhân viên phục vụ đóng gói lại để mang lên phòng, nhưng nhân viên bồi bàn ở đây cũng lạnh lùng từ chối.

"Chúng tôi phải trả 400 USD/1 đêm ở đây, và món mì ống có giá 12 USD. Con bé mới chỉ ăn một hai miếng. Tôi đã yêu cầu được gặp quản lý,nhưng người này cũng từ chối đề nghị đóng gói đồ ăn mang về của tôi", ông bố Ian kể lại.

Ảnh 2

Rốt cuộc “không đồng ý” cho khách mang thức ăn thừa về là đúng hay sai?

Luisa và Ian cũng không phải là những thực khách đầu tiên bị từ chối yêu cầu mang thức ăn thừa về. Dù cho có hụt hẫng đi chăng nữa nhưng cuối cùng tất cả các thực khách đều phải chấp nhận, vì đây là những quy định của các nhà hàng này, mà khi bạn dùng bữa tại đó, bạn buộc phải tuân theo (hoặc phải tìm hiểu trước).

Thật khác với nhiều nhà hàng tại Việt Nam phải không?

Tuy nhiên, thật bất ngờ, đa số những khách hàng bị các nhà hàng cao cấp “đối xử tệ bạc” như trên, cuối cùng đều vui vẻ giải toả tâm lý, sau khi họ nghe được những lời bộc bạch sau đây từ các bếp trưởng nổi tiếng:

1. Không ai có thể kiểm soát được chất lượng món ăn sau khi nó rời khỏi nhà hàng

"Nếu đầu bếp đang nấu món gì đó trong một nhà hàng có tiếng tăm, thậm chí gắn sao Michelin, tôi tin rằng anh ấy muốn khách ăn ngay tại chỗ để có thể thưởng thức hương vị trọn vẹn nhất. Hơn thế nữa, các đầu bếp và quản lý nhà hàng luôn lo lắng nếu khách hàng đem đồ ăn về thì họ không thể kiểm soát chất lượng món ăn nữa, ai mà biết được những chuyện nghiêm trọng nào có thể xảy ra chứ?", Russell Norman - người đứng đầu chuỗi nhà hàng Polpo nổi tiếng ở Anh cho biết.

Đó là lý do mà càng là các nhà hàng sang trọng, nổi tiếng, họ lại càng chú ý đến việc thưởng thức bữa ăn của khách. Họ e ngại việc khách dùng bữa không còn nguyên vẹn, không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và cả danh tiếng nhà hàng nếu có điều không mong muốn xảy ra.

Bên cạnh đó, bếp tưởng Norman cũng nói thêm: "Ai cũng nghĩ những món ăn được chế biến, nấu chín kỹ thì vô hại. Nhưng vi khuẩn ngoài môi trường có thể bám vào suất ăn, phát triển nhanh và gây ra ngộ độc thực phẩm". 

Nghe có vẻ lo xa, nhưng nếu khách hàng đem đồ ăn thừa về nhà và bảo quản sai cách, vi khuẩn có thể sinh sôi, đến khi ăn vào có thể sẽ bị ngộ độc thực phẩm. Nếu chuyện đó xảy ra thì ai sẽ phải chịu trách nghiệm, nhà hàng hay khách hàng?

Tất nhiên là nhà hàng rồi! Vì bao bì, hoá đơn còn đủ cả! Nhưng lỗi thì lại hoàn toàn do sự thiếu cẩn trọng của khách hàng. Ngoài việc phải bồi thường các khoản tiền chi phí chăm sóc sức khoẻ cho khách, các nhà hàng này còn lo lắng hơn khi sợ lộ tin tức ra ngoài, thậm chí bị “bóc phốt” trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, bị đối thủ nhân cơ hội dìm hàng,… mất khách, doanh thu tụt giảm, và rất nhiều hậu quả kéo theo chỉ vì việc “đồng ý cho khách mang thức ăn thừa về nhà”.

2. Không một bếp trưởng nào muốn phần trình bày món ăn tuyệt vời của mình bị biến thành tác phẩm tệ hại

Tại các nhà hàng cao cấp, mỗi món ăn được mang ra phục vụ khách hàng đều là một tác phẩm nghệ thuật. Nó là đứa con tinh thần, là sự chăm chút tỉ mỉ từng giọt nước sốt, từng cọng rau của người đầu bếp danh tiếng. Với hi vọng khi chúng được bồi bàn mang ra, kết hợp với vẻ ngoài xinh đẹp của chiếc khăn trải bàn, không gian xung quanh, cùng tiếng nhạc du dương,… sẽ mang lại ấn tượng đẹp đẽ cho thực khách.

Bởi vậy, khách có thể không ăn hết, nhưng các nhà hàng này cũng sẽ không bao giờ đồng ý cho khách gói mang về bởi một lẽ đơn giản, khi cho vào hộp rồi, các phần trình bày đẹp đẽ đó sẽ không còn nữa. Điều này, một mặt phá vỡ ý đồ sáng tạo ban đầu của người đầu bếp, mặt khác là sẽ làm thực khách nghĩ rằng đồ ăn này cũng "thường" thôi. Họ sẽ giảm bớt sự hào hứng, phần khích nếu lần sau còn ghé qua. Đó được coi như là sự thất bại của bất cứ nhà hàng nào, và thực sự là “gáo nước lạnh” dành cho tâm huyết của người đầu bếp.

Thế nên, các nhà hàng lớn thà mang tiếng keo kiệt, lãng phí thực phẩm còn hơn là để khách đem thức ăn thừa về mà không thể kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Kết luận

Nói tóm lại, không có câu trả lời chính xác cho việc nhà hàng “đúng hay sai” khi không đồng ý cho khách hàng mang thức ăn thừa về, vì tuỳ vào cách hành xử, văn hoá, truyền thống ẩm thực của mỗi quốc gia, mà mỗi nhà hàng lại đưa ra các quy định riêng của mình. Thực khách thấy thoả đáng thì chấp nhận trở thành khách hàng của họ, ngược lại, thực khách phải tự mình cân nhắc sử dụng tại nhà hàng khác.

Ví dụ như người dân Australia luôn tự nhận mình là những người sành ăn, vì vậy, họ cảm thấy xấu hổ khi yêu cầu bồi bàn đóng gói thức ăn thừa để mang về nhà. Tại Mỹ, nhiều nhà hàng lại thường đề nghị gói thực phẩm để khách mang về ngay cả trước khi khách có yêu cầu; nhưng tại Pháp, điều này lại không thường xuyên.

Tại Việt Nam, đa số các nhà hàng thường đồng ý đáp ứng nếu khách có yêu cầu mang thức ăn thừa về.

Nhưng có một quy tắc mà cả khách hàng và nhà hàng đều ngầm hiểu: là việc yêu cầu mang thức ăn thừa về chỉ xảy ra khi khách ăn kiểu gọi món a la carte. Không ai đi ăn buffet mà lại yêu cầu nhà hàng gói đồ ăn thừa trên bàn về cả!!! Thậm chí, nhiều nhà hàng còn có quy định “phạt” nếu thực khách ăn buffet mà để thừa quá nhiều đồ ăn trên bàn.

Làm gì để tránh tình huống “khó xử” khi khách yêu cầu mang thức ăn thừa về?

Câu trả lời là: “Đừng bán hàng bằng mọi giá!”

Không ít các nhà hàng đào tạo nhân viên tư vấn làm sao để khách gọi càng nhiều đồ càng tốt, miễn là chi phí bữa ăn cao, doanh thu mang lại lớn. Nhưng họ lại quên không tính đến tình huống: khách hàng quá tải, ăn không hết. Bỏ lại thì khi ra về họ cũng sẽ cảm thấy không thoải mái, quá lãng phí. Mà gói mang về thì dùng đồ thừa cũng chẳng còn ngon lành gì, rồi lại phát sinh tâm lý “thức ăn của quán đó cũng thường thôi”,…


Bởi vậy mới nói, tất cả mọi thứ đều là tương đối. Tư vấn cho khách hàng lựa chọn đồ ăn “vừa đủ” là hợp lý nhất. Vừa đủ để nhà hàng có doanh thu cao, nhưng cũng vừa đủ để họ dùng bữa không quá lãng phí.

Chúc các bạn kinh doanh nhà hàng thành công,

Thân ái,

--

XEM THÊM

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0