Mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn? (Có ví dụ tính toán cụ thể)

Heli Pham – PasGo Team- 21/10/2020

Trừ những trường hợp kinh doanh bằng “vốn tự có” của bản thân như gia sư dạy học, ca hát nghệ thuật,… thì có thể nói quá lên là kinh doanh không cần vốn. Còn thực tế, kinh doanh ngành nghề nào mà chả cần vốn, không nhiều thì ít?


Mục lục

Chúng tôi gọi là “nói quá lên”, bởi vì dù làm bất cứ việc gì, thì ít nhất bạn cũng cần phải có tiền để duy trì cuộc sống, để ăn, để thở cơ mà, phải không? Đó không là “vốn” thì là cái gì.

Kinh doanh nhà hàng lại càng cần phải có vốn. Nhiều người đặt câu hỏi:“Cần bao nhiêu vốn để mở một nhà hàng?” Câu trả lời là “Còn tuỳ!!!”

Đúng là còn tuỳ thật. Tuỳ thuộc vào việc bạn mở nhà hàng loại hình gì, ở đâu, với quy mô lớn nhỏ như thế nào,… thì mới tính toán được con số dự kiến về chi phí mở nhà hàng chứ.

>> Mời bạn xem thêm: Khái niệm các loại hình nhà hàng ăn uống

Thực tế tại Việt Nam, không có quá nhiều sự phân biệ giữa khái niệm “Nhà hàng” và “Quán ăn”. Tuy vậy, đối với những người làm trong ngành F&B, chúng ta ngầm hiểu với nhau rằng “Nhà hàng” là khái niệm thường dùng để nói đến các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn hơn “Quán ăn” về mặt sức chứa, mức độ sang trọng của không gian và nội thất trang trí. Nhà hàng cũng là khái niệm thường dùng để chỉ các cơ sở kinh doanh ăn uống có tính chất cao cấp, sang trọng; còn “Quán ăn” là thuật ngữ thường dùng để nói về các cơ sở ăn uống có tính chất bình dân, xuồng xã hơn.

Trong bài viết này, PasGo sẽ cùng các bạn đi trả lời cho câu hỏi “Mở nhà hàng cần bao nhiêu vốn”, và chúng ta sẽ lấy ví dụ để tính toán chi phí mở quán ăn nhỏ cho dễ nhé. Chi phí mở nhà hàng với quy mô lớn hơn, các bạn hoàn toàn có thể tính ra được dựa theo cách làm dưới đây!

1. Tính chi phí thuê mặt bằng

Chi phí thuê địa điểm kinh doanh là một khoản chi phí cố định hàng tháng, và nó chiếm phần lớn chi phí khi mở quán của bạn. Tuy thuộc vào vị trí địa điểm khu vực thuê, diện tích thuê, mà chi phí mặt bằng sẽ cao hay thấp. Thời hạn thuê mặt bằng có thể 1năm, 2 năm hoặc nhiều hơn tuỳ bạn. Tuy nhiên, thông thường chủ nhà hàng có thể yêu cầu bạn đóng tiền thuê 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm/1 lần, cộng thêm khoảng 1 – 3 tháng đặt cọc. Bạn nên đàm phán để hợp đồng thuê mặt bằng là đóng tiền 3 tháng/1 lần, cộng thêm 1 tháng tiền đặt cọc là đẹp nhất. Như vậy, bạn mất chi phí ban đầu cho khoảng 4 tháng tiền nhà.

Tuy nhiên, trên thực tế, để kinh doanh nhà hàng, bạn cần tính toán thêm khoản chi phí dự phòng để ít nhất quán có địa điểm để hoạt động trong vòng 06 tháng, dù bạn kinh doanh có lãi hay không. Bởi vậy, tổng chi phí ban đầu cho việc thuê mặt bằng cần tính ít nhất cho 07 tháng hoạt động.

Giả sử bạn mở một quán ăn nhỏ với sức chứa khoảng 40- 50 khách. Như vậy bạn cần kê được khoảng 12 bàn (loại bàn 4 người). Cần diện tích cho quán khoảng 50m2 – 60m2 sàn một tầng (hoặc 30 – 35m2 nếu là nhà 2 tầng). Giả sử quán nằm trên mặt đường phố không quá lớn, với ước tính giá thuê mặt bằng khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Vậy chi phí đầu tư cho thuê mặt bằng cho mở quán ăn nhỏ khoảng: 7 x 20 = 140 triệu đồng.

2. Chi phí thuê thiết kế logo, biển hiệu, menu

Giả sử mở quán ăn nhỏ chưa cần quá cầu kỳ logo cao cấp. Nhưng ít nhất bạn vẫn cần phải có “chút gì đó” nhận diện cho quán của mình dựa vào cái tên, biển hiệu, hoặc menu.

Giả sử chi phí cho các khoản mục này khoảng 20 triệu đồng.

3. Chi phí sửa sang, trang trí nội thất

Sau khi có địa điểm kinh doanh, bạn cần phải sửa sang, trang trí lại mặt bằng theo mục đích kinh doanh của mình, đồng thời sắm sửa các trang thiết bị, nội thất nhà hàng và nhà bếp cần thiết.

Khoản vốn cho các hạng mục này, bao gồm:

- Chí phí xây dựng và sơn quét lại mặt bằng: khoảng 15 triệu đồng

- Chi phí mua bàn ghế: Giả sử khoảng 2 triệu/bộ bàn ghế, thì bạn cần chi: 12 x 2 = 24 triệu đồng.

- Chi phí mua tủ bảo quản thực phẩm (gồm tủ trữ đông và tủ bảo quản rau củ): cần khoảng 20 triệu đồng.

- Chi phí mua vật dụng nhà bếp (bếp, nồi niêu, xoong chảo, chén, dĩa,...): khoảng 35 triệu đồng.

Vậy, tổng chi phí cho các khoản mục trang trí: khoảng gần 100 triệu đồng.

4. Chi phí mua nguyên liệu

Cùng với chi phí thuê mặt bằng thì chi phí nguyên liệu chính là khoản chi tốn kém nhất mà bạn cần chủ động nguồn vốn để đầu tư. Vì nguyên liệu thực phẩm thường rất dễ hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách hay để quá lâu.

Nhưng cái hay của ngành kinh doanh nhà hàng, quán ăn lại khả năng quay vòng vốn nhanh, tức là việc bạn có thể thu hoàn vốn ngay trong ngày. Nghĩa là việc “khách hàng nợ tiền” hầu như không có.

Với quy mô một quán ăn nhỏ như giả định ở trên, thì:

  • Chi phí thực phẩm tươi trong ngày, chúng ta giả sử là 5 – 7 triệu nhé.
  • Số tiền chi cho mua gia vị dùng trong khoảng 1 tháng đầu: là 3 triệu đồng.

Tổng số vốn cần chi cho chi phí nguyên liệu khoảng 10 triệu đồng.

5. Chi phí nhân sự

Để tính toán được cần bao nhiêu vốn cho việc thuê nhân sự, thì trước tiên bạn cần tính toán được nhà hàng hay quán ăn của mình cần cấu trúc bố trí nhân sự như thế nào? Tổng số nhân sự là bao nhiêu, sau đó tham khảo mức lương của từng vị trí nhân sự, là sẽ tính được khoản chi này.

>>Xem thêm: Mô hình quản lý nhà hàng – Chi tiết sơ đồ nhân sự và cách quản lý

Giả sử với quy mô quán ăn nhỏ 50 chỗ ngồi này, bạn cần một bếp chính, một bếp phụ và tối thiểu 3 nhân viên phục vụ ( đổi ca nhau, hoặc thuê cộng tác viên bán thời gian).

  • Lương bếp chính khoảng 10 triệu/tháng
  • Lương bếp phụ 6 triệu/tháng
  • Lương 3 nhân viên phục vụ ca, tính ra khoảng 4 triệu/tháng: tổng khoảng 12 triệu/tháng

Ngoài ra là chi phí cho các vị trí nhân sự khác, gồm:

  • Một Quản lý nhà hàng: khoảng 12 triệu/tháng
  • Một thu ngân: 6 triệu/tháng
  • Một bảo vệ: 5 triệu/tháng

Với quy mô nhà hàng nhỏ, có thể không cần lễ tân, mà thu ngân và quản lý nhà hàng có thể đảm nhiệm luôn công việc này.

Vậy, bạn sẽ cần chuẩn bị nguồn vốn để chi cho khoản nhân sự này: khoảng 50 triệu/tháng

6. Chi phí marketing quảng cáo

Một - hai tháng đầu mở quán, có thể bạn vẫn còn đông khách từ kênh “người quen”, nhưng sau đó sẽ ít dần đi, và buộc bạn phải khởi động kênh truyền thông quảng cáo riêng của mình.

Chi phí cho quảng cáo nhà hàng trong giai đoạn mở quán thì thường khá cao, có thể chiếm tới 35-40% doanh thu của quán. Tuy nhiên, chúng ta giả sử nhà hàng làm ăn có lãi, chi phí cho quảng cáo giới hạn khoảng 15 triệu đồng/tháng là hợp lý nhé.

7. Chi phí điện nước

- Khoảng 10 triệu đồng/tháng

8. Chi phí dự phòng rủi ro khác

Còn rất nhiều khoản cần phải chi khác, trong đó có thể bao gồm cả các khoản phí rất “giời ơi” như chi phí “lót tay”,… Mục này, bạn nên dự trù khoảng 50 triệu đồng.

Trên đây là cách tính toán để dự trù nguồn vốn cần có khi mở một nhà hàng, quán ăn.

Như vậy, với việc mở một quán ăn nhỏ quy mô 50 chỗ ngồi như trên (như mở quán ăn vặt hoặc mở quán ăn sáng), bạn cần bỏ qua chi phí dự trù ban đầu khoảng 350 – 400 triệu đồng, để có thể duy trì quán hoạt động ít nhất trong vòng 06 tháng đầu tiên. Sau đó, tuỳ theo tình hình kinh doanh thực tế mà quay vòng vốn và đầu tư tiếp.

Tương tự như vậy bạn có thể tính toán cho chi phí mở nhà hàng với quy mô lớn hơn. Tuỳ theo loại hình ẩm thực, mục đích kinh doanh, khu vực mở quán,… mà bạn có các điều chỉnh chi phí ở từng hạng mục cho hợp lý. 

Chúc các bạn kinh doanh nhà hàng thành công,

Thân ái,

--

XEM THÊM

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0