Công việc Quản lý nhà hàng – Mô tả cách quản lý và mức lương

Ngày cập nhật:10/09/2020

Quản lý nhà hàng là người làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc hoặc Chủ nhà hàng. Có thể nói, đây là vị trí công việc “dưới một người nhưng trên nhiều người”. Ví von như vậy để các bạn thấy được tầm quan trọng của vị trí quản lý này trong một nhà hàng.


Mục lục

Vậy quản lý nhà hàng là làm gì? Dưới đây là chi tiết mô tả công việc quản lý của họ, mời các bạn tham khảo để hiểu hơn về cách quản lý nhà hàng ăn uống, đồng thời có thêm thông tin về mức lương của vị trí này để phục vụ cho xin việc hoặc tuyển dụng của mình nhé!

Công việc quản lý nhà hàng là gì?

Trong một cơ cấu nhà hàng, không phải lúc nào Giám đốc hay Chủ nhà hàng cũng “ra mặt”, là người trực tiếp có mặt tại mỗi nhà hàng để điều hành mọi hoạt động chung, hay tương tác với khách hàng, mà thường thì công việc đó được giao cho một người gọi là Quản lý nhà hàng. Người quản lý này là đại diện cho Chủ nhà hàng, có trách nhiệm quản lý toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh của nhà hàng như: kiểm soát chất lượng món ăn, dịch vụ, đào tạo, quản lý nhân sự, tư vấn cho khách, giải quyết các sự cố khiếu nại hay mọi tình huống bất ngờ khác xảy ra trong quá trình làm việc,…

Mô tả công việc Quản lý nhà hàng

1. Quản trị nhân sự

Việc quan trọng đầu tiên mà một Quản lý nhà hàng cần làm tốt đó là quản lý nhân sự nhà hàng. Vì nhân sự nhà hàng là một trong số các nhóm nhân sự có tỷ lệ thay đổi lớn nhất thị trường tuyển dụng (biến động xin việc và nghỉ việc lớn), nên người Quản lý nhà hàng kinh nghiệm cần có nhiều cách để vấn đề nhân sự nhà hàng ổn định và ít biến động nhất có thể, để đảm bảo hoạt động kinh doanh nhà hàng phát triển tốt.

Công việc quản lý nhân sự nhà hàng bao gồm:

  • Tuyển dụng, đào tạo, đánh giá nghiệp vụ của nhân viên mới và cũ theo định kỳ
  • Sắp xếp lịch làm việc cho nhân viên
  • Theo dõi chấm công, chốt lương hàng tháng
  • Ra quyết định khen thưởng, kỷ luật hoặc cho nhân viên nghỉ việc
  • Chăm lo đời sống nhân viên, đảm bảo quyền lợi về lợi ích, sức khoẻ, môi trường làm việc.
  • Ghi nhận các góp ý phản hồi và tham mưu ngược lại với Ban giám đốc, Chủ nhà hàng về các vấn đề quan trọng hoặc các vị trí nhân sự quan trọng trong nhà hàng.

2. Quản trị chất lượng phục vụ

  • Giám sát mọi hoạt động trong nhà hàng dựa trên các tiêu chuẩn, quy trình đã được xây dựng, thống nhất, đặc biệt là tiêu chuẩn về thực đơn và món ăn phục vụ khách.
  • Giám sát, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Đề xuất các giải pháp cải tiến nhà hàng
  • Tổng kết, báo cáo sự việc hàng ngày cho Giám đốc hoặc Chủ nhà hàng.

3. Quản lý tài chính

  • Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện theo chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận hàng tháng được giao
  • Nắm rõ báo cáo tài chính cuối ngày bao gồm: Doanh thu, lợi nhuận và các chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
  • Có quyền quyết định các hợp đồng hợp tác với đối tác theo thẩm quyền được giao, bao gồm đối tác nhà cung cấp, đối tác truyền thông, đối tác công nghệ,…
  • Đề ra các giải pháp tiết kiệm kinh phí, thúc đẩy doanh số bán hàng.
  • Báo cáo thống kê tài chính cho Giám đốc hoặc Chủ nhà hàng định kỳ
  • Trực tiếp theo dõi số lượng tiền tip hàng ngày

4. Quản lý nguyên liệu, tài sản, cơ sở vật chất

  • Theo dõi định mức tồn kho và ký duyệt việc mua hàng hoá hợp lý
  • Kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị, tài sản nhà hàng. Từ đó lên kế hoạch bảo trì, sữa chữa, thay thế, hoặc đề xuất mua mới

5.Xúc tiến hoạt động kinh doanh nhà hàng hiệu quả hơn

  • Chủ động tìm kiếm nguồn khách hàng
  • Phối hợp bộ phận kinh doanh, marketing để xây dựng các chiến dịch quảng cáo và bán hàng. Đồng thời tăng cường hệ thống nhận diện thương hiệu nhà hàng.
  • Làm việc với các đối tác truyền thông, công nghệ để gia tăng khách hàng, tối ưu giờ trống và tiết kiệm chi phí.
  • Tổ chức vận hành tốt kênh chăm sóc khách hàng bao gồm khách hàng VIP, khách hàng thân thiết
  • Lắng nghe phản hồi của khách hàng, theo dõi đối thủ cạnh tranh,… từ đó đề xuất các thay đổi linh hoạt thực đơn hay chương trình khuyến mại xúc tiến bán hàng phù hợp, trình Ban giám đốc hoặc Chủ nhà hàng.

6. Giải quyết sự cố, khiếu nại của thực khách

  • Trực tiếp giải quyết các khiếu nại của khách hàng (nếu có) khi nhân viên không giải quyết được
  • Tổ chức theo dõi, đánh giá sự hài lòng của khách hàng về món ăn cũng như dịch vụ, phục vụ
  • Xây dựng, quản lý và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tập khách hàng thân thiết 

7. Tham mưu cho Ban giám đốc và Chủ nhà hàng

Một vai trò quan trọng của người quản lý nhưng không ít người đã bỏ qua, đó chính là vai trò cố vấn, tham mưu. Hơn ai hết, Quản lý nhà hàng chính là cầu nối, là mắt xích quan trọng giữa Chủ nhà hàng – Khách hàng – Nhân viên, là người ở giữa cân bằng và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hài hoà của ba bên này. Bởi vậy, người Quản lý cần có những tổng kết, đánh giá, đưa ra các đề xuất giải pháp kịp thời để đảm bảo hài hoà quyền lợi cho nhân viên, khách hàng, và lợi ích cho nhà hàng.

Đặc biệt, là sự linh hoạt áp dụng công nghệ, nhanh nhạy thị trường, mở rộng hợp tác với các đối tác phù hợp, đi trước đón đầu trước đối thủ cạnh tranh, gia tăng lợi ích.

Mức lương Quản lý nhà hàng

Thực tế, vận hành hoạt động của một nhà hàng cũng giống như vận hành một doanh nghiệp, bởi vậy, người Quản lý nhà hàng cũng không khác gì một Giám đốc điều hành. Người quản lý giỏi thì nhà hàng sẽ hoạt động một cách trơn tru. Ngược lại, quản lý yếu kém, phát hiện các vấn đề chậm, hoặc xử lý sai một vấn đề nào đó thì có thể “ra đi” một nhà hàng trong sớm tối.

Bởi vậy, nghề Quản lý nhà hàng đòi hỏi những người không chỉ giỏi chuyên môn, kinh nghiệm, kiến thức chung về ngành ẩm thực F&B (Food & Beverage) mà còn rất cần các kỹ năng quản trị như đã nêu trong phần mô tả công việc ở trên. Mức lương dành cho Quản lý nhà hàng cũng xứng đáng với năng lực của họ.

Với các nhà hàng độc lập, Quản lý nhà hàng có quyền thay mặt Giám đốc nhà hàng, quản lý chung toàn bộ mọi hoạt động, thì lương quản lý nhà hàng thường dao động trong khoảng 15 – 45 triệu đồng/tháng, tuỳ theo quy mô của Nhà hàng, năng lực người Quản lý và khối lượng công việc mà họ đảm nhiệm.

Với các nhà hàng nằm trong các khách sạn, resort thì Quản lý nhà hàng thường sẽ không chịu trách nhiệm quản lý khu vực Bếp. Do đó, mức lương quản lý nhà hàng trong khách sạn, resort thường dao động từ 15 – 20 triệu/đồng, cũng tuỳ của Nhà hàng, khách sạn, năng lực người Quản lý và khối lượng công việc mà họ đảm nhiệm.

Như vậy, nghiệp vụ quản lý nhà hàng là một nghiệp vụ không hề đơn giản. Nắm được mô tả chi tiết các công việc mà một người quản lý cần làm sẽ giúp bạn đưa ra được cách quản lý nhà hàng hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn.

Chúc các bạn kinh doanh thành công,

Thân ái,

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0