myduyen- 22/07/2016
Ghi danh vào một trong những món ăn cay được yêu thích nhất trên thế giới, đậu hủ Tứ Xuyên tuy cay là vậy nhưng lại thơm ngon đánh động lòng người…
Tứ Xuyên là một trong những trường phái ẩm thực đứng hàng đầu trong lịch sử Trung Hoa, mà món Tứ Xuyên nổi tiếng nhất chính là vị cay nồng nhiều khi đến bỏng rát. Người Tứ Xuyên yêu vị cay đến độ đã làm nên một câu truyền miệng để đời: “Không biết ăn cay không phải người Tứ Xuyên!”
Ngày mình đến Soa Soa, Sài Gòn hiếm hoi lắm mới đổ một trận mưa và se se nổi gió, thế nên hai đứa nổi hứng muốn chén đồ cay, quét qua quét lại một vòng thực đơn, cuối cùng gom hết dũng khí mà gọi món cay nổi tiếng cả thế giới đều biết tên: Đậu hủ Tứ Xuyên “danh bất hư truyền”
Món đậu hủ Tứ Xuyên cay tê tái "trong truyền thuyết"
Mà đúng là “danh bất hư truyền” thật!
Các bạn có muốn biết cách làm ấm người nhanh nhất khi trời lạnh là gì không? Chính là ăn đồ cay đó!
Nhà hàng Soa Soa kể ra làm Đậu hủ Tứ Xuyên cũng khéo lắm. Bìa đậu non mềm, cắt vuông vức mà không bị nát hay vỡ, đắm mình trong làn nước sốt đỏ rực rỡ sóng sánh khiến ai nhìn cũng cảm thấy lớp nước sốt ấy mà chan vào cơm trắng thì ngậy, ngon phải biết!
Bìa đậu có thể được để nguyên hay xắt nhỏ vuông vức nhưng nhất định phải là đậu non vừa trắng vừa mềm
Nhưng chớ dại mà chan nếu bạn kém khoản ăn cay nha, vì nước sốt, nói thật, cay chảy cả nước mắt!
Thế mới nói món Tứ Xuyên người không bản lĩnh khó lòng ăn cho đặng, nhưng cũng không cần là người thích ăn cay mới “ngấm” được vị ngon của món đậu hủ này.
Món đậu hủ này phải được xào trong chảo lớn, để lửa đủ to, thường có thêm thịt bằm, nấm hương bổ trợ hương vị
Mình xin tặng một điểm 10 cho nhà hàng Soa Soa vì độ hài hòa giữa vị cay và vị bùi đạt đến ngưỡng “hành hạ tâm hồn thực khách” của món ăn này. Ăn cay không giỏi lắm nên sau miếng đầu tiên mình đã phát hoảng mà muốn từ bỏ, thế nhưng lại tiếc cái vị mềm mịn như tan ra ở đầu lưỡi khi nhấm nháp bìa đậu non, cộng thêm cái thơm của nấm hương và cái bùi bùi, béo ngậy của thịt băm xào đều lửa. Nhắm mắt nhắm mũi cùng đứa bạn thân ăn hết một đĩa đậu hủ đỏ rừng rực, mình… thành “fan” của món ăn này luôn các bạn ạ!
Bí quyết làm nên vị thơm, cay nồng nàn của món ăn này chính là Ớt tươi Tứ Xuyên và các loại thảo mộc, gia vị,...
Thế mới nói, có mấy món ăn được như món này, một đĩa đậu “gom” đủ 7 vị đặc trưng của ẩm thực Trung Hoa: vị Bùi và Mềm của đậu hủ non, vị Tươi và Giòn của thịt, vị Cay, Nóng, Thơm của ớt tươi và đủ loại gia vị, thảo mộc tự nhiên. Đã thế lại còn rẻ ^^
Vì món ăn cay nên mình gọi nhân viên mang cho ly nước mát, bạn ấy thấy mình cay chảy cả nước mắt nên đứng… pha trò cho nhanh quên.
Bạn ý kể là cái tên đậu hủ Tứ Xuyên nổi tiếng quá, cả thế giới đều gọi thế, nhưng tên gốc của món ăn này phải gọi là đậu Mapo cơ. Mapo đại khái trong tiếng Trung là chỉ Trần Ma Bà – Một người phụ nữ mặt rỗ sống ở Thành Đô hồi thế kỷ 19. Vốn bà Trần mở một quán ăn nhỏ ở Thành Đô nhưng lượng đậu hủ còn dư lại mỗi ngày đều nhiều quá do hương vị món đậu hủ không quá đơn giản, chả mấy ai gọi, bà đã nghĩ ra cách kết hợp nó với những loại nguyên liệu khác nhau để tạo nên hương vị đậm đà hơn hẳn.
Ít ai biết rằng tên gốc của món Đậu hủ Tứ Xuyên nổi tiếng toàn thế giới này lại là: Đậu hủ Mapo, cũng có nghĩa là: “Món đậu của người đàn bà mặt rỗ”
Ai dè, món đậu hủ xào mới của bà không chỉ nổi danh khắp Tứ Xuyên bấy giờ mà đã chinh phục cả châu Á, châu Âu – Món đậu hủ Mapo, cũng có nghĩa là: “Món đậu của người đàn bà mặt rỗ”.
Có người thích đến nhà hàng Soa Soa vì lẩu nướng, riêng mình lại chết mê món đậu hủ “mặt rỗ” của nơi này. Chân thành khuyên bạn nào thích đồ cay nên nếm thử một lần cho biết.
P/s: Nhà hàng Soa Soa nằm ở 64 Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3, Hồ Chí Minh nhé mọi người!
Hoàng Nguyên.
* * *
Xem thêm các bài viết hay cùng đề tài:
- Bánh tráng Trảng Bàng – Chưa ăn chưa biết Tây Ninh!
- Muốn làm sườn nướng ngon như tiệm, đừng quên 3 mẹo sau!
- Đi tìm món ăn 100 năm tuổi trên con đường nghìn tỷ