myduyen- 20/07/2016
Người Tây Ninh tự hào có nhiều đặc sản: bò tơ, ốc núi, thằn lằn,… nhưng người ta vẫn nói: Chưa ăn bánh tráng phơi sương, vẫn coi như chưa biết vị Tây Ninh!
Lần đó mình đến Làng Nướng Nam Bộ 19 Nguyễn Thị Diệu mới là lưng lửng chưa, bữa sáng vẫn nằm trong bao tử chưa kịp tiêu hóa hết nên chỉ gọi suất Bánh tráng Tây Ninh, thêm dĩa bánh hỏi bò nướng lụi. Bạn tôi cả tuổi trẻ đi Nam về Bắc, cũng từng ghé Tây Ninh không ít lần, hăm hở nếm đĩa bánh tráng rồi gật đầu: “Đúng vị Tây Ninh rùi đó mậy!”
Cận cảnh 1 suất bánh tráng Trảng Bàng: Thịt heo luộc, rau củ sống, bún rối, lá bánh, dưa ghém, nước chấm (nước mắm hoặc mắm nêm)
Bạn mình hắn kể ngày xưa cứ có dịp qua là lại phải ghé ấp Lộc Du ở Tràng Bàng mua vài xâu bánh tráng về làm kỷ niệm. Đành rằng bánh tráng thì ở đâu mà chẳng có, nhưng bánh tráng Tây Ninh nó khác nhiều lắm. Cái thứ bánh này phải làm từ gạo tẻ, xay thành bột nước, hòa muối rồi đem tráng mỏng hai lớp trên hơi nước sôi.
Tráng bánh trên hơi nước và phơi trên vỉ tre dưới ánh nắng mặt trời
Người ta phơi bánh dưới nắng, Tây Ninh phơi bánh cả dưới sương. Bánh tráng sau khi phơi nắng 1 ngày, đem nướng trong lò cho nở xốp rồi đem đi phơi sương lúc đêm khuya hoặc tờ mờ sáng. Thế nên lá bánh mỏng mà không dễ rách, dẻo nhưng không dai, lại trắng ngần, mềm mại…
Thành phẩm sau những chuỗi lao động thủ công xay gạo, tráng bánh, phơi nắng, nướng, phơi sương,... thủ công vất vả và cực nhọc
Bánh tráng Trảng Bàng đúng kiểu Tây Ninh theo lời kể của bạn mình là ăn cùng thịt heo ba chỉ xắt lát mỏng, củ kiệu, dưa ghém, dưa leo, giá sống, cà rốt, chuối xanh, và nhứt định phải có thêm rổ rau sống, rau thơm ven nhà, dọc đường: đọt kim cang, ngọn húng lủi, dấp cá, ngò gai, lá nhái, đọt vằng, búp quế,…
Rau sống, rau thơm ăn cùng bánh tráng cuốn thịt heo kể đầy đủ ra thì phải đến cả ba chục loại, mà toàn là những loại rau thân thuộc ngắt về từ vườn, từ đồng, từ ven lạch, ven rừng,...
Thịt luộc trong nước lạnh, vừa chín tới lại vớt ngay ra thả vào nước sôi để nguội nên mềm mà không dính. Rau rừng thì sẵn, vừa non vừa tươi. Đem tất cả rau, thịt, dưa ghém, củ sống,… ấy cuốn tròn với lá bánh, chấm với bát mắm nêm găn gắt, nồng nồng, nghe ra đúng phong vị của Tây Ninh sương gió, mặn mòi nhưng trù phú.
Chỉ cần chọn nguyên liệu bạn thích và cho vào lá bánh, cuốn vừa cắn là xong!
Có lẽ chưa bao giờ ăn bánh tráng tại chính đất Tây Ninh như tên bạn, nhưng lần đầu ăn ở Làng Nướng Nam Bộ, mình thấy hương vị cũng rất khó quên. Bánh mỏng đều tay, đủ độ giòn nhưng khi cuốn lại không bị rách, rau sống đủ vị tươi, non, chát, ngọt,… Cái chính là một suất bánh khá đầy đặn, ăn hoài gần no rồi vẫn chưa hết!
Đem thắc mắc hỏi qua một nhân viên, bạn ấy xác nhận do nguyên liệu ở đây đều nhập về từ Tây Nam Bộ nên cuối cùng mình cũng hiểu tại sao món ăn ở đây lại được tên bạn mình khen nức nở là khá giống với hương vị Tây Ninh.
Ốc núi Tây Ninh và Thằn lằn núi Bà Đen nướng - Hai đặc sản Tây Ninh khác của Làng Nướng Nam Bộ Nguyễn Thị Diệu
Bánh tráng Tràng Bảng nhìn qua tưởng đơn giản nhưng dường như ai đã ăn qua một lần đều không ngăn được lòng thương nhớ với món ăn giản dị quê nhà này. Xin tiến cử với mọi người Làng Nướng Nam Bộ - nơi có món bánh tráng Tràng Bảng theo đánh giá của mình khá vừa miệng và đầy đặn. Ngoài ra, nơi đây còn rất nhiều món đặc sản Tây Ninh khác nữa như: ốc núi, chim lá rụng nướng mọi, thằn lằn núi Bà Đen,… nữa nhé!
Hoàng Nguyên.
* * *
Các bài viết hay cùng chủ đề:
- Muốn làm sườn nướng ngon như tiệm, đừng quên 3 mẹo sau!