Bí mật về sự cân bằng âm dương trong ẩm thực Việt

Ngày cập nhật:13/07/2016

Có thờ có thiêng, có kiêng, có lành, câu nói này dường như đúng theo mọi góc độ, kể cả trong ăn uống.


Mục lục

Không chỉ có người Nhật Bản, hay Hàn Quốc nổi tiếng về sự cầu kỳ trong ăn uống, người Việt cũng từ xa xưa cũng vô cùng coi trọng mối quan hệ biện chứng âm dương trong thực hành ẩm thực.

Sự cân bằng này không những đảm bảo sự hoạt động bình thường, khỏe mạnh của cơ thể mà còn đem tới sự hài hòa của chính con người với môi trường sống tự nhiên xung quanh. Để đánh giá sự cân bằng âm dương của mỗi món ăn, người Việt cổ phân chia âm dương theo ngũ hành: Hàn (lạnh, âm nhiều, hành thủy), Nhiệt (nóng, dương nhiều, hành hỏa), Ôn (ấm, dương ít, hành mộc), Lương (mát, âm ít, hành kim), Bình (trung tính, hành thổ).

âm dương trong ăn uống 1

Mướp đắng – loại quả có vị đắng, tính hàn là loại thực phẩm được ưa chuộng trong mùa nóng

Do đó, các nguyên tắc vế quy luật âm dương cũng được tuân thủ tuyệt đối khu chế biến trở thành những mẹo ẩm thực được lưu truyền tới tận hôm nay. Những bí quyết này không những giúp món ăn ngon miệng, mà còn có tác dụng bồi bổ cơ thể và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của món ăn.

Ví dụ như: thịt bò thường đi với chút gừng, rau răm, gừng cay là nhiệt (tính dương) ăn kèm với trứng lộn (tính âm) không những tạo nên hương thơm, vị ngon mà còn giúp cân bằng cơ thể. Nguyên tắc này còn được người việt cổ xưa vận dụng và xem thức ăn như một phương thuốc chữa bệnh.

âm dương trong ăn uống 2

Rau răm (tính dương) ăn cùng với trứng lộn (tính âm) để quân bình

Bởi theo quan niệm của người Việt thì mọi bệnh tật sinh ra đều là do sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Do đó, với nhiều bệnh, chỉ cần điều chỉnh lại sự mất cân bằng âm dương ấy qua ăn uống là có thể khỏi bệnh. Ví dụ, nếu người ốm do quá âm thì cần bổ sung các thực phẩm có tính dương để điều hòa ( vd: đau bụng lạnh, cảm mạo do lạnh uống nước gừng, cháo hành hoa sẽ khỏi); ngược lại nếu cơ thể ốm do thừa dương thì cần ăn thêm đồ âm (vd: bị kiết lị, ăn trứng gà rang với lá mơ)…

Triết lý này còn được thể hiện rất rõ qua những món ăn theo mùa. Chẳng hạn, mùa hè nóng bức (nhiệt – hành hỏa) nên ăn các loại thức ăn hàn, lương (mát), có nước (âm – hành Thủy), có vị chua (âm) thì không những dễ ăn, dễ tiêu hóa mà còn giải nhiệt. Tới mùa đông lạnh (hàn – âm) thì các loại thức ăn khô, nhiều mỡ (dương), như các món xào, rán, kho… lại được ưa chuộng.

âm dương trong ăn uống 3

Các món kho, mặn, nhiều mỡ thường được ưa chuộng vào mùa lạnh

Bên cạnh đó, tập quán sử dụng gia vị trong các bữa ăn cũng phản ánh tính âm – dương này. Không những có tác dụng kích thích vị giác, làm món ăn dậy mùi, gia vị còn giúp món ăn được cân bằng và ngon miệng. Ví dụ: Gừng là loại gia vị quen thuộc có tính nóng (dương), nên thường ăn kèm với thực phẩm có tính hàn (lạnh) như bí đao, rau cải, cá, thịt vịt, ốc… Rau răm thuộc tính nhiệt (cay, nóng) nên ăn kèm với trứng lộn có tín hàn (âm)…

Những quy luật kết hợp này đã được truyền lại qua nhiều đời và đi vào ca dao:

“Con gà cục tác lá chanh;

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi;

Con chó khóc đứng khóc ngồi,

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng;

Con trâu ngó ngó nghiêng nghiêng,

Mình đã có riềng, để tỏi cho tôi...”

Những kinh nghiệm đúc kết từ xa xưa này hiện nay vẫn còn được truyền tai và áp dụng rộng rãi trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ bởi tính đúng đắn mà còn bởi sự thiết thực mà chính mỗi chúng ta hàng ngày đều cảm nhận được. Do đó, hãy luôn để tâm và tuân theo quy luật tự nhiên này để luôn có một cuộc sống khỏe mạnh nhé!

Nguồn: Tapchimonngon

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0