NamLQ- 07/05/2016
Tự tay kết thúc con đường sự nghiệp đang nở hoa với nhiều cơ hội tốt đẹp, người con gái học Sử quyết định ra riêng làm chủ của hệ thống Quán Kiến nổi tiếng
Ấn tượng đầu tiên về Thùy Anh là một người phụ nữ dịu dàng và ưa nhìn. Nhưng khi ngồi nói chuyện lâu, nhìn cái cách mà cô đang chăm chú lắng nghe, hoặc say sưa nói về một việc gì đó, bạn sẽ thấy gương mặt của bà chủ nhà hàng Quán Kiến toát lên một thần khí mạnh mẽ đáng nể phục.
Có thể nói Thùy Anh là sự hòa trộn giữa 2 dòng máu “trí thức” và “kinh doanh”. Bên nhà nội phần đa là trí thức, bố cô là phó giáo sư khoa Sử (ĐH. Khoa học Xã hội và Nhân văn). Bên ngoại thì có máu kinh doanh cực mạnh, đặc biệt là bà ngoại cô – một người Việt gốc Hoa, rất đam mê làm ăn trong lĩnh vực bất động sản. Mẹ của Thùy Anh mặc dù là cán bộ công chức nhưng cũng luôn “bôn ba đủ kiểu”, kinh doanh đủ thứ từ nuôi bán chó ngao, tạo dựng trang trại nuôi lợn cho tới bán mỹ phẩm,...
Bà chủ trẻ đa tài Thùy Anh (bên tay phải)
Khi còn nhỏ, Thùy Anh mơ ước sẽ làm một nhà nghiên cứu khoa học như bố mình, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn cô luôn cảm nhận được thiên hướng phát triển ở lĩnh vực kinh doanh.
Khi mới là học sinh cấp 3, có lúc cô còn có thể kiếm được cả tiền triệu mỗi tháng nhờ vào việc bán lại những cuốn tạp chí với tranh ảnh của nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới (do một người chị họ hay mua tặng để làm quà). Công việc “làm ăn” của cô phát triển tới mức bố mẹ phải cấm con gái rượu làm tiếp vì sợ ảnh hưởng tới học tập, thi cử.
Mặc dù vậy, bất cứ lúc nào có cơ hội là Thùy Anh lại bộc lộ niềm đam mê kinh doanh của mình. Có một lần, cô cùng với người anh họ đi mua đào chơi Tết, 2 anh em đã chọn xong và đang trên đường về nhà thì thấy có cành đào đẹp hơn rất nhiều. Cô rất thích nhưng chẳng thể mang cả về nhà, vừa phí và vừa không có chỗ để trưng. Thùy Anh quyết định cứ mua đào mới và bán lại cành cũ ngay tại chợ, mặc kệ cho người anh không quen chuyện mua bán nằng nặc phản đối. Với sự khôn khéo và lanh lợi của cô, cành đào đã được bán chỉ vài phút sau đó.
Khi đang là sinh viên, cô tiếp tục theo đuổi ham muốn bằng những công việc part-time (bán hàng thuê tại các cửa hàng của người quen, rủ rê bạn bè buôn hoa vào các dịp lễ tết…), vừa để tự trang trải học phí, vừa để đúc kết những kinh nghiệm cho bản thân để không bị “hụt hẫng” sau khi tốt nghiệp – Thùy Anh chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp khoa Sử trường ĐH. KHXH&NV, Thùy Anh xin vào công tác cho dự án VietTimes (trực thuộc VietNamNet) cùng với một e-kip gồm nhiều nhà báo có tên tuổi tại Việt Nam lúc bấy giờ. Cô được phân công viết bài cho mục “Tính cách Việt” –chủ đề đòi hỏi người viết cần lột tả được một cách vừa chân thực vừa sinh động chân dung những nhân vật nổi tiếng. Con đường nghiệp báo của cô bắt đầu với cả hoa thơm và trái đắng.
Một cô gái năng động và đầy cá tính, thể hiện niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ
Các nhân vật mà Thùy Anh được phỏng vấn để viết bài là nhà văn Hồ Anh Thái, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Lê Lựu, nhà văn Y Ban, nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp - vợ nhà thơ Xuân Diệu,... Từng bài viết của nhà báo trẻ 8x về các bậc đáng tuổi cha chú mình, có rất nhiều điểm “phá cách” với một góc nhìn hoàn toàn mới lạ về những con người tưởng chừng như đã quá “cũ”.
Sau khi đọc chuyên đề dài kỳ của cô về Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn này đã phải thốt lên: Sao Xuân Anh (bút danh của nhà báo Thùy Anh) lại viết về tôi như vậy, trong khi mọi người đều coi trọng tài năng của tôi? Vậy nhưng, sau khi Nhà thơ Trần Đăng Khoa xem những bài viết của Thùy Anh, ông đã không nén nổi sự tò mò và đã mời cô nhà báo trẻ này đến gặp mặt. Không chỉ vậy, ông còn đưa ra những lời ca ngợi về “tuổi trẻ tài cao mới xuất hiện”.
Ít ai biết được rằng, đằng sau mỗi câu chữ là cả một sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về nhân vật, từ con người đến tác phẩm trước khi đi phỏng vấn để có thể “cảm” được hết những điều ẩn chứa sau mỗi lời nói, cử chỉ, hành động, và cả những tác phẩm của họ. Trong quá trình hoàn thiện một viết bài, cô bị ám ảnh nhiều bởi chính những người mình phỏng vấn. Khi chưa lột tả được nhân vật cho tới tận cùng theo đúng cảm nhận của mình, thì cô vẫn chưa thể hài lòng với thành quả lao động của mình. Đây cũng là một trong những lý do khiến cô muốn bỏ nghề báo, vì báo chí với guồng quay chóng mặt của công nghệ thông tin (khi mà con người ta có xu hướng thích những thứ độc lạ, thậm chí là nhảm nhí, vô bổ) không phù hợp với sự đầu tư tinh thần mệt nhọc và nặng nề như thế.
Thùy Anh từng tâm sự, thời gian làm báo khiến cô ngẫm ra một chân lý: “nếu không chuẩn bị trước thì ai cũng có thể đánh bại được bạn”. Và điều này đúng trong mọi trường hợp, ngay cả trong công việc kinh doanh nhà hàng hiện tại của Thùy Anh.
Tuy có cơ hội để phát triển trong lĩnh vực báo chí, nhưng Thùy Anh từng nói rằng không hiểu sao cô lại không bao giờ coi đây là sự nghiệp của mình mà chỉ là một cuộc chơi. Tròn 3 năm làm nghề viết lách, cô chợt phát hiện ra rằng mình không hợp với... nghề làm báo.
Gia tài vài chục tỷ của một cô gái bỏ việc ngon đi bán quán
Cuối năm 2009, vợ chồng Thùy Anh mở một quán nhậu ở trên đường Yên Phụ với cái tên là Quán Kiến bằng toàn bộ số vốn đi vay được. Từ lúc này, hai vợ chồng cô lúc nào cũng trong tình trạng “bị vắt kiệt năng lượng” vừa để trăn trở lên các kế hoạch xây dựng và phát triển quán, vừa tự mình bắt tay vào việc gây dựng thương hiệu cho Quán Kiến.
Từng vật dụng trong nhà hàng đều được đích thân vợ chồng Thùy Anh lựa chọn
Sau 4 tháng, khi nhà hàng Quán Kiến bắt đầu đi vào ổn định, thì lại xảy ra một biến cố. Căn nhà 3 tầng với diện tích nền gần 100m2 ở Nghi Tàm của bà ngoại cô vừa kết thúc hợp đồng cho thuê. Khi biết tin này, cô chưa nghĩ ngay ra đây là cơ hội “trời cho” của mình. Hơn nữa, Quán Kiến hiện tại vừa mới được tốn tiền đầu tư và sửa chữa khá công phu, mới sử khai thác được có 4 tháng, đã có một lượng khách quen nhất định mà lại chuyển đi thì ai mà dám nghĩ tới. Nhưng quả thật quán của Thùy Anh quá nhỏ khiến nhiều lúc khách đến đông, bà chủ lại phải từ chối. Nhưng sau khi nhận ra tiềm năng phát triển, cô quyết định chuyển quán.
Cứ tối đến là quán lại đón tiếp lũ lượt người kéo đến
Quán Kiến ra đời, tạo dựng được uy tín và khách cứ nườm nượp kéo đến cũng bởi mê cái phong cách ẩm thực chẳng giống ai: quán nhậu chuyên các loại đặc sản núi rừng và côn trùng. Trong khi nhà nhà đua nhau mở quán Âu, quán Nhật, quán Hàn,… thì mấy ai có ý tưởng táo bạo tới mức dám phục vụ khách những con sâu bọ “hữu cơ 100%” này. Ấy vậy mà, Quán Kiến vẫn cứ phát triển ầm ầm, ngày nào cũng tấp nập người vào kẻ ra. Nhiều người khâm phục cô gái này bởi biết tận dụng cái độc lạ của sản vật quê hương để làm lợi thế cạnh tranh trong vòng xoáy của xu thế “thị trường sính ngoại” đã ăn sâu vào máu của khách Việt trong một thời gian dài.
Một số món ăn tại nhà hàng
Nhưng nếu tới đây, bạn nhất định phải thử các món côn trùng (bọ cạp, châu chấu, nhộng ong, ve sầu, bọ xít…)
Rất nhiều bạn trẻ tới đây xin làm thêm để trau dồi kinh nghiệm, cũng vừa để học hỏi quá trình xây dựng nên một start-up của bà chủ trẻ tài năng
Nếu có thời gian rảnh ghé nhà hàng Quán Kiến, đặc biệt là vào những giờ vắng khách, bạn sẽ có cơ hội gặp và nói chuyện với một người phụ nữ có thân hình bé nhỏ, nhưng toát lên một thần thái đáng khâm phục – đó chính là Thùy Anh, bà chủ của Quán Kiến. Lúc bạn tới, hãy kiếm người nào đang ngồi trong góc và cặm cụi bên đống sách hoặc cái laptop, đó là lúc cô ấy đang… ủ mưu để lên kế hoạch quảng bá thương hiệu cho đứa con của mình - Quán Kiến với 2 cơ sở:
>>> Quán Kiến Tuệ Tĩnh: 100 Tuệ Tĩnh, Quận Hai Bà Trưng
>>> Quán Kiến Nghi Tàm:143 Nghi Tàm, Quận Tây Hồ
- Ngọc Bông –