7 Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng phổ biến: Dấu hiệu và điều trị

Ngày cập nhật:19/12/2022

Có khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi, đau cơ hay tê đầu ngón tay không? Đôi khi bạn không để ý hoặc dễ dàng bỏ qua vì chúng không nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự thiếu hụt chất dinh dưỡng. Hãy chú ý rằng thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến bệnh tật.


Mục lục

1. Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Canxi

Canxi là một cái tên quen thuộc trong vai trò duy trì xương và răng chắc khỏe. 99% canxi trong cơ thể tập trung chủ yếu ở xương và răng. Và 1% còn lại có vai trò ở tim và thần kinh. Khi thiếu hụt Canxi, hiện tượng hạ canxi máu sẽ xảy ra. Các triệu chứng bao gồm tê các đầu ngón tay, ngứa ran và nhịp tim bất thường. 

Thiếu hụt chất dinh dưỡng canxi gây loãng xương

Thiếu hụt chất dinh dưỡng canxi gây loãng xương

Nhu cầu Canxi ở người trưởng thành là khoảng 1000mg mỗi ngày. Con số này có thể lên đến 1.200mg đối với phụ nữ trên 50 và nam giới trên 70 tuổi. Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng là đối tượng cần chú trọng bổ sung Canxi. 

Để hạn chế tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng Canxi, hãy chủ động bổ sung từ thực phẩm trước. Uống 2 cốc sữa hoặc ăn sữa chua mỗi ngày là một giải pháp tốt. Nếu bạn không thích uống sữa, thì hãy uống nước cam hoặc sử dụng ngũ cốc ăn sáng có bổ sung Canxi. Các thực phẩm hằng ngày như: cá, trứng, các loại rau màu xanh đậm, các loại hạt,... cũng là nguồn Canxi tuyệt vời. 

2. Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Vitamin D

Mệt mỏi, đau nhức xương, thay đổi tâm trạng,... là những triệu chứng thường thấy khi cơ thể bị thiếu Vitamin D. Và đôi khi còn bao gồm cả các triệu chứng của hạ canxi máu. Tuy vậy, các triệu chứng khá mơ hồ nên dễ bị bỏ qua.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu thiếu Vitamin D kéo dài, người bệnh có thể gặp các vấn đề về xương khớp. Chẳng hạn như mềm xương, loãng xương, vòng kiềng, gãy xương,... Nghiêm trọng hơn, thiếu hụt Vitamin D còn có liên quan đến ung thư và các bệnh tự miễn. 

Theo các nhà dinh dưỡng thì trung bình người trưởng thành cần 15 mcg Vitamin D mỗi ngày. Và con số này còn cao hơn ở người già, phụ nữ có thai và cho con bú. Sữa và các loại cá béo là nguồn cung cấp Vitamin D hàng đầu. Ngoài ra, dành thời gian vận động 10 đến 30 phút trong vài lần mỗi tuần dưới ánh nắng giúp cơ thể có nhiều Vitamin D hơn.

3. Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Kali

Kali là dưỡng chất giúp tim, dây thần kinh và cơ của chúng ta hoạt động bình thường. Ngoài ra, đây là một chất quan trọng cho hoạt động của tế bào và hỗ trợ ổn định huyết áp. Thiếu Kali thường xảy ra ở những đối tượng sau:

  • Bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, đổ mồ hôi quá nhiều. 
  • Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu.
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Mắc một số bệnh mãn tính như bệnh thận.

Bị tiêu chảy gây thiếu hụt chất dinh dưỡng Kali

Bị tiêu chảy gây thiếu hụt chất dinh dưỡng Kali

Khi thiếu hụt chất dinh dưỡng Kali, các triệu chứng khá điển hình. Chẳng hạn như: yếu cơ, co giật hoặc chuột rút, táo bón, ngứa ran và tê, nhịp tim bất thường hoặc đánh trống ngực.

Nếu nghi ngờ, bạn có thể chủ động bổ sung Kali từ thực phẩm hằng ngày. Nguồn Kali tự nhiên bao gồm: chuối, sữa, bí đỏ, các loại đậu, rau có màu xanh đậm,... Và hãy chú ý bổ sung đủ với nhu cầu. Đối với nam giới trưởng thành thì cần 3.400 mg mỗi ngày, và ở nữ giới là 2.600 mg.

4. Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Sắt

Sắt là nguồn khoáng chất cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu, để mang oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ sắt xuống quá thấp, tình trạng thiếu máu có thể xảy ra. Ở một số người có nguy cơ bị thiếu sắt cao hơn cả, đó là:

  • Phụ nữ đang trong thời kỳ nguyệt san (kinh nguyệt).
  • Trẻ em ở tuổi dậy thì hoặc đang trong giai đoạn phát triển.
  • Phụ nữ có thai.
  • Một số người ăn chay hoặc chế độ ăn thiếu dưỡng chất.

Ở giai đoạn đầu của hiện tượng thiếu sắt, các triệu chứng có thể chỉ thoáng qua. Nhưng triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt lại khá nghiêm trọng. Cụ thể như: mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, da nhợt nhạt, nhức đầu, tay chân lạnh. Những triệu chứng này giống như bạn đang bị tụt huyết áp. Ngoài ra, người thiếu máu còn thấy lưỡi bị đau hoặc sưng và móng tay giòn. 

Để hạn chế thiếu sắt, bạn cần chủ động ăn những thực phẩm giàu sắt. Ví dụ như thịt bò, hàu, các loại đậu, rau chân vịt, ngũ cốc,... Đặc biệt, sắt có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh.

5. Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Vitamin B12

Vitamin B12 có vai trò hỗ trợ sản sinh tế bào hồng cầu trong máu, bảo vệ gen và cải thiện các chức năng về thần kinh. Thiếu hụt chất dinh dưỡng Vitamin B12 có thể xảy ra ở những người bị rối loạn tiêu hóa, có chế độ ăn nghèo dưỡng chất, đã từng phẫu thuật tại đường tiêu hóa hoặc sử dụng một số thuốc.

Vitamin B12 có nhiều trong thực phẩm hằng ngày

Vitamin B12 có nhiều trong thực phẩm hằng ngày

Các triệu chứng của sự thiếu hụt Vitamin B12 bao gồm:

  • Tê các đầu ngón tay chân.
  • Gặp khó khăn trong đi lại và giữ thăng bằng.
  • Thiếu máu, mệt mỏi, uể oải.
  • Suy giảm trí nhớ, thị lực.

Bổ sung Vitamin B12 nên bắt đầu từ thực phẩm hằng ngày. Chẳng hạn như cá, thịt gà,gan, sữa, ngũ cốc,... Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung Vitamin B12 khi được chẩn đoán thiếu hụt. 

Vitamin B12 cần thiết cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú và người bị bệnh thận. Do vậy hãy chú ý để bổ sung phù hợp.

6. Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Vitamin B9

Vitamin B9, hay có tên gọi khác là Axit Folic, là một loại Vitamin B quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Chúng đảm bảo hệ thần kinh của thai nhi phát triển khỏe mạnh. Đó là lí do mà các chuyên gia thường nhắc nhở phụ nữ cần bổ sung đủ Vitamin B9 trước và trong khi mang thai. Ngoài ra, ở người trưởng thành, sự thiếu hụt Vitamin B9 có liên quan đến chứng thiếu máu do thiếu hồng cầu. 

Các triệu chứng thiếu chất dinh dưỡng Vitamin B9 bao gồm:

  • Mệt mỏi, khó chịu, mất vị giác.
  • Khó thở, da dẻ tái nhợt.
  • Tiêu chảy.
  • Chậm phát triển về thể chất.
  • Bị sưng và loét ở lưỡi và khoang miệng.

Để hạn chế thiếu hụt Vitamin B9, bạn có thể ăn thêm ngũ cốc, các loại đậu, hạt hướng dương, trứng và các loại rau màu xanh đậm. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần được cung cấp thêm 400mcg Vitamin B9 bên cạnh chế độ ăn hằng ngày.

7. Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Magie

Chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, suy nhược là những triệu chứng dễ thấy ở người bị thiếu Magie. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể cảm thấy tê và ngứa ran, co rút cơ, co giật, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, dễ cáu gắt,...

Thiếu hụt chất dinh dưỡng Magie gây chán ăn, mệt mỏi

Thiếu hụt chất dinh dưỡng Magie gây chán ăn, mệt mỏi

Mặc dù sự thiếu hụt là khá hiếm gặp ở những người khỏe mạnh. Nhưng vẫn có nhiều nguy cơ khiến bạn bị thiếu Magie như:

  • Đang sử dụng một số loại thuốc: thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu,...
  • Mắc một số bệnh: bệnh tiểu đường, rối loạn tiêu hóa,...
  • Chế độ ăn nghèo Magie.
  • Nghiện rượu kéo dài.

Để giảm thiểu các triệu chứng khi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng Magie, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu Magie. Đó là hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng. rau bina, đậu đen,...

Tóm lại, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể làm thay đổi nhiều chức năng và quá trình trong cơ thể, cho dù là cơ bản nhất. Và cách tốt nhất để tránh hoặc khắc phục tình trạng này là đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng. Nhưng nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung Vitamin. Tất nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để bổ sung đúng cách và phù hợp nhất.


Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0