Tứ đại trường phái đại diện cho văn hoá ẩm thực Trung Quốc

Ngày cập nhật:21/08/2020

Dù phân chia theo hệ quy chiếu Bát đại thái hệ (8 trường phái) hay Tứ thái hệ (4 trường phái) thì những trường phái ẩm thực dưới đây vẫn là những cái tên được nhắc đến như những đại diện rất riêng cho văn hoá ẩm thực Trung Hoa theo vùng miền.


Mục lục

Nhắc đến ẩm thực Trung Quốc, ắt hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến những bữa tiệc đậm chất cung đình với rất nhiều món ăn được bài trí và được dùng theo thứ tự món có quy tắc định sẵn. Có người đã ví một cách nhân hóa về một số trường phái ẩm thực ở Trung Quốc như sau: món của Giang Tô, Chiết Giang có khác nào người đẹp, Giang Nam thanh tú, món ăn của Sơn Đông, An Huy là một trang nam nhi mộc mạc chất phác, món ăn của Quảng Đông, Phúc Kiến thì nhã nhặn như vị công tử phong lưu còn món ăn của Tứ Xuyên, Hồ Nam thì chẳng khác nào một vị danh sĩ tài ba.

Tứ đại trường phái đại diện cho văn hoá ẩm thực Trung Quốc1

Là một trong những nền văn minh lớn mạnh và đầu tiên ở châu Á, nền ẩm thực Trung Quốc là cả một tổng hòa giữa điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người

Đệ nhất ẩm thực Trung Hoa - Trường phái ẩm thực Sơn Đông

Tỉnh Sơn Đông là một trong những cái nôi của nền văn hóa Trung Quốc cổ đại. Điều kiện tự nhiên ưu đãi với núi non hùng vĩ, sông ngòi dày đặc cộng với khí hậu ấm áp và thổ nhưỡng phì nhiêu đã khiến Sơn Đông sở hữu vô vàn sản vật, trong đó phải kể đến lúa mì và rau củ quả. Và cũng vì nhận được quá nhiều ưu đãi của tự nhiên, nền ẩm thực ở bán đảo Sơn Đông cũng được người dân Trung Quốc yêu mến và ví von với hình tượng "chàng trai khỏe mạnh".

Nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc, Sơn Đông chịu ảnh hưởng rất lớn bởi phong cách ẩm thực của con người vùng này, đặc trưng nhất qua cách ăn uống của con người Tế Nam, nơi các món rán, nướng, hấp với màu sắc tươi tắn và nồng, đậm vị, sực nức mùi hành tỏi vô cùng được "sủng ái". Bất kể giàu, nghèo, sang, hèn, bữa ăn của người Sơn Đông lúc nào cũng hiện diện hai thành phần hành và tỏi. Không kể đến vô vàn những "sơn hào, hải vị", người dân ở đây còn rất thích ăn bánh ngọt, bánh ngô, các món ăn chế biến từ rau, củ, quả, salad đậm hương vị.

Vì nằm ở lưu vực sông Hoàng Hà nên bên cạnh các món canh và các món được chế biến từ nội tạng động vật, các món hải sản cũng là niềm tự hào của con người Sơn Đông. Ốc kho hay cá chép chua ngọt là những đặc sản bạn nên thử 1 lần khi đã trót đặc chân đến vùng đất này.

Tứ đại trường phái đại diện cho văn hoá ẩm thực Trung Quốc2

Sự bắt mắt và tươi ngon kết hợp sự phong phú đa dạng đã đưa Sơn Đông trở thành nền ẩm thực Trung Quốc mạnh mẽ nhất từ trước đến nay

Văn hoá ẩm thực biến tấu linh hoạt - Trường phái ẩm thực Tứ Xuyên

Là một trong những trường phái ẩm thực đa dạng và quan trọng bậc nhất cấu thành nên nền ẩm thực Trung Quốc độc đáo, dù được phân chia theo kiểu Bát đại thái hệ (8 trường phái) hay Tứ thái hệ (4 trường phái), ẩm thực Tứ Xuyên vẫn chiếm giữ một vị trí quan trọng. Thật sự không ngoa khi nói ẩm thực Tứ Xuyên đa dạng, nhiều màu sắc, bởi lẽ, tỉnh thành phía Tây Nam Trung Quốc này là địa điểm sinh sống của rất nhiều dân tộc thiểu số khác nhau như: người Tạng, người Di và người Khương. Hơn nữa Tứ Xuyên còn là vùng đất sở hữu sản vật vô cùng phong phú.

Các món ăn truyền thống của Trung Quốc ở vùng Tứ Xuyên đặc biệt chú ý về sắc, hương, vị, hình và sử dụng tới 30 phương pháp chế biến khác như như xào, rán, chiên, kho, ướp, nộm... Tuy đa dạng về thành phần nguyên liệu và cách chế biến, nhưng dễ dàng nhận thấy, ẩm thực Tứ Xuyên có một đặc điểm chung dễ dàng nhận ra đó chính là vị cay nồng của ớt.

Tứ đại trường phái đại diện cho văn hoá ẩm thực Trung Quốc3

Lẩu Tứ Xuyên – Món ngon Trung Quốc đặc trưng của vùng Tứ Xuyên đã nổi tiếng trên toàn thế giới

“Người đẹp” của ẩm thực Trung Hoa - Trường phái ẩm thực Giang Tô

Nằm ở phía Nam Trung Quốc, món ăn ở Giang Tô được ví von như một "người đẹp phương Nam". Giang Tô nổi tiếng bởi núi non, sơn thủy, phong cảnh hữu tình, thơ mộng như trong tranh vẽ. Và như người Trung Quốc đã từng có câu: "Nhất phương thủy thổ dưỡng nhất phương nhân", món ăn của địa phương nào thì mang đặc điểm của địa phương ấy. Cái chất thơ mộng này cũng ảnh hưởng lên phong cách ẩm thực của con người nơi đây. Đó là lý do tại sao những món ăn độc đáo, trứ danh Giang Tô lại có thể chinh phục thực khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

Tứ đại trường phái đại diện cho văn hoá ẩm thực Trung Quốc4

Nằm trên lưu vực hai con sông lớn là Trường Giang và Hoàng Hà, Giang Tô là địa điểm giao nhau giữa miền Nam và miền Bắc Trung Quốc, chính vì vị thế đặc biệt này, ẩm thực Giang Tô cũng có sự giao thoa mạnh mẽ của ẩm thực Trung Hoa hai miền Nam Bắc

Ẩm thực Giang Tô không những chú trọng mạnh mẽ vào khía cạnh đẹp mắt mà còn rất ngon miệng và giàu chất dinh dưỡng với vị ngọt đặc trưng. Người Giang Tô rất kỹ càng từ khâu chọn lựa nguyên liệu ban đầu và phong cách chế biến cũng tinh tế hơn người phương Bắc. Điểm quan trọng cốt yếu làm nên thành công các món ngon Trung Quốc vùng Giang Tô này chính là việc giữ cho được hương vị tươi mới của nguyên liệu ban đầu.

Cầu nối văn hoá ẩm thực đa quốc gia - Trường phái ẩm thực Quảng Đông

Là một mảnh ghép còn lại của 4 trường phái ẩm thực Trung Hoa, ẩm thực Quảng Đông được xem là niềm tự hào của Trung Quốc với bạn bè quốc tế. Bên cạnh việc kế thừa những màu sắc Trung Hoa cố hữu, ẩm thực Quảng Đông còn có sự tiếp thu, học hỏi và hòa trộn màu sắc phương Tây. Ẩm thực Quảng Đông cũng vô cùng đa dạng về nguyên vật liệu cũng như phương cách chế biến.

Theo ước tính, người Quảng Đông có hơn 20 phong cách chế biến khác nhau. Những ngày nóng nực của mùa hè hay những ngày thu mát mẻ người ta thiên về các món ăn có hương vị đơn giản thanh đạm. Đến mùa đông – xuân lạnh giá, người ta lại thích trải nghiệm các món ăn có hương vị đậm đà hơn một chút. Vì yêu thích các món ăn có hương vị thanh đạm, tươi non nên bên cạnh những cách chế biến truyền thống như xào, chiên, hầm, nướng… người Quảng Đông thích chao, hấp thức ăn hơn cả.

Tứ đại trường phái đại diện cho văn hoá ẩm thực Trung Quốc5

Món ăn của ẩm thực Quảng Đông đảm bảo "4 yêu cầu" sắc, hương, vị, hình và "non mà không sống, tươi mà không thô, mỡ mà không ngấy, thanh mà không nhạt"

Điển hình như dimsum (điểm tâm) phát triển, trở thành một nét đẹp của ẩm thực như hiện nay, không thể không kể đến sự đóng góp của người Quảng Đông. Các món dimsum theo kiểu Quảng Đông đặc biệt và cầu kỳ hơn so với những tỉnh khác ở Trung Quốc: nhìn hấp dẫn, ăn ngon miệng, hương vị nhẹ nhàng nhờ không dùng quá nhiều gia vị. Không chỉ thay đổi phần nhân vốn đơn điệu, người Quảng Đông còn đưa cả nghệ thuật tạo hình, trang trí món ăn, đem đến cho dimsum một diện mạo hoàn toàn mới. Ví dụ các món dimsum trên miền Bắc của Trung Quốc chủ yếu được làm bằng bột mì nhưng ở Quảng Đông người ta dùng thêm bột gạo, hay rau quả địa phương để làm dimsum.

Đất nước rộng lớn, dồi dào sản vật và nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc đã khiến văn hoá ẩm thực nước này vô cùng phong phú, đa dạng và giàu màu sắc. Đằng sau mỗi trường phái ẩm thực không chỉ là các món ăn truyền thống Trung Quốc đặc trưng mà còn những câu chuyện chất chứa bên trong. Bạn đã sẵn sàng để khám phá văn hoá ẩm thực Trung Quốc đặc sắc này chưa? Nếu bạn chưa có cơ hội đến với Trung Quốc thì ở Việt Nam, đồ ăn Trung Quốc cũng khá đa dạng và được nhiều thực khách yêu mến.

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ và bình luận ngay nhé!

Chat ngay để được tư vấn

Đang tải...
Bạn vui lòng điền các thông tin dưới đây để bắt đầu chat ngay.


0