Soo- 21/08/2020
Hiện nay, muốn tìm một nhà hàng sushi ở Việt Nam không phải chuyện khó nhưng việc làm một miếng sushi bắt mắt giống như tại Nhật thì đơn giản nhưng để làm ra một miếng sushi ngon thì không phải điều dễ dàng. Điều đó là một trong những lý do lý giải vì sao sushi ở Nhật lại đắt!
Nếu bạn là một người yêu ẩm thực Nhật Bản đặc biệt là sushi hẳn bạn đã từng nghe đến nhà hàng Sukiyabashi Jiro – nhà hàng 3 sao Michelin danh giá - nơi làm nên món sushi khiến đầu bếp Pháp lừng danh Joel Rabuchon phải thốt lên: “Sukiyabashi Jiro đã cho tôi thấy thế nào là nghệ thuật sushi thực thụ!". Nhà hàng đã từng phục vụ cựu tổng thống Obama, diễn viên Hugh Jackman hay ca sĩ Katy Perry... Một suất ăn ở đây chỉ bao gồm 20 miếng sushi nhưng có giá tới 40.000 yên (366 USD). Mỗi thực khách chỉ được ngồi trong quán từ 15-20 phút, nhưng bù lại, công suất tối đa của nhà hàng chỉ có... 10 khách.
Đây chỉ là một trong số những nhà hàng sushi tại Nhật Bản nhưng là đại diện nổi bật nhất để trả lời cho câu hỏi vì sao sushi tại Nhật lại đắt đến vậy?
Bạn không thể làm được sushi ngon như tại Nhật vì không có… gạo. Cả châu Á đều ăn gạo, nhưng 80% trong số đó thuộc giống lúa Indica. Người Nhật nằm trong số 20% hiếm hoi trồng và ăn được giống Japonica – loại gạo vàng bạc được ví mềm mượt như bơ, thanh ngọt đậm đà, giàu loại tinh bột dễ no nhưng cũng dễ tiêu
Khi mới bước vào nghề làm bếp sushi, một người cần ít nhất trung bình 1-2 năm để rèn luyện vị trí.. nấu cơm. Họ học cách nấu cơm từ sáng đến tối, sao cho thành quả cuối cùng là hạt cơm chín đều, trăm hạt như một, ngậm vào tan chảy trong miệng. Bài kiểm tra cuối cùng của họ thường là một nắm nigiri đơn giản nhưng tất cả hạt cơm phải đều tăm tắp, không nát nhưng kết dính tốt, ăn vào không bị khô mà mềm mại tựa bơ.
Thay vì dùng nồi cơm điện, nhà hàng sushi Nhật Bản có tiếng sẽ dùng loại nồi truyền thống kama này. Vừa nấu vừa canh lửa, xới cơm và chêm hoặc rút nước liên tục. Mỗi nhà hàng có bí quyết về lửa và nước riêng cho cơm, cũng như một – hoặc rất nhiều người – thức thâu đêm canh nồi cơm quý giá như trông con mọn!
Người Nhật khám phá ra tầm quan trọng của nhiệt độ đối với hạt cơm, do đó, để cơm bị nguội là một điều cấm kị. Sau khi quạt cơm cho bớt nóng, trộn với giấm rồi, cơm được ủ trong nồi cùng một lớp giỏ mây. Bí quyết ở đây là đảm bao cơm luôn ở nhiệt độ gần nhất với cơ thể. Thứ nhất, nó sẽ giúp lưỡi cảm nhận được 100% vị ngon của cơm. Thứ hai, cơm ấm ấm mới không bị nát, tan chảy ngay khi đưa vào miệng. Và quan trọng nhất, hạt cơm ở nhiệt độ này sẽ hòa quyện tốt nhất với các loại thịt cá, nâng tất cả hương vị sushi lên một tầm cao mới.
Một bếp trưởng tại nhà hàng sushi tại Nhật Bản đã nói rằng: "Với sushi, cơm là thứ quan trọng nhất. Cá chỉ là thứ ăn kèm mà thôi!".
Nếu bạn nghĩ loại cá nào cũng có thể làm được sushi thì bạn đã nhầm. Chất lượng cá luôn được đặt lên hàng đầu đối với danh tiếng của bất kỳ quán sushi nào vì thế để chọn được nguyên liệu làm sushi, mỗi buổi sáng, trước khi mặt trời mọc, các đầu bếp sushi bậc thầy sẽ tập trung tại chợ cá và đấu giá cá trong ngày. Không chỉ quan trọng để mua cá tốt nhất phục vụ chất lượng tại nhà hàng, mà tin tức truyền đi nhanh chóng và khi một con cá tốt được mua và nó tạo ra dòng chảy tiếp thị ngay lập tức, đảm bảo sự đắt hàng trong ngày hôm đó. Nếu không phải là các cuộc đấu giá, các đầu bếp sẽ dùng hết các giác quan của bản thân đặc biệt là mũi và mắt để đánh giá loại thực phẩm tươi ngon nhất hôm đó. Ở nhiều nhà hàng sushi, thực đơn sẽ thay đổi hàng ngày, tùy vào chất lượng món ăn vị đầu bếp tìm được và sẽ từ chối phục vụ một số món nếu hôm đó loại nguyên liệu không tươi như ý muốn.
Chợ cá lớn được các đầu bếp ưu tiên chọn lựa
Chọn cá cần nhiều công sức nhưng chế biến cá lại còn cần cả một sự chăm chút và tỉ mỉ hơn.
Ví dụ như ở nhà hàng sushi Nhật Bản - Sukiyabashi Jiro, trước khi chế biến một con bạch tuộc, ông Jino Ono – chủ nhà hàng sẽ mát-xa cho nó trong khoảng 30 phút. Giờ đây thì ông đã tăng thời gian này lên thành 40 phút để cho thịt bạch tuộc mềm hơn và có vị ngon hơn. Tôm sẽ được chế biến ngay trước khi phục vụ giữ được hương vị đậm đà và tươi ngon nhất. đầu bếp sushi cảm nhận thời điểm nào, các nguyên liệu sẽ ngon nhất để kết hợp lại đúng lúc, đúng tỷ lệ để phục vụ khách hàng.
Hay như sushi cá ngừ - Món sushi đắt nhất trên thế giới với quy trình đánh bắt, bảo quản thịt cá cực kỳ khắt khe. Theo đó, những con cá phải được câu từ từ từng con một, nhưng giết một cách nhanh chóng, để cá không vùng vẫy hay mất máu. Thông thường, ngư dân sẽ dùng một con dao nhọn để chọc thẳng vào não cá, sau đó mổ lấy nội tạng, ngâm nước đá nửa tiếng rồi bảo quản trong hầm đá không quá 10 ngày trước khi đem đi bán.
Chế biến cá làm sushi đòi hỏi rất nhiều kỹ năng
- Phần cơm phải được nấu với giấm để tạo thêm hương vị cho sushi.
- Tỉ lệ cá và cơm phải đúng chuẩn tức là không quá nhiều cá hoặc không quá nhiều cơm.
- Không phải loài cá nào cũng thích hợp làm sushi mà chỉ có vài loài cá phù hợp với cơm khi làm sushi, số cá khác sẽ thích hợp cho món sashimi hơn. Do đó, để chọn được đúng loại cá làm sushi thì đầu bếp cần có nhiều kinh nghiệm lâu dài.
- Nhiệt độ của cơm sau khi nấu và nhiệt độ đôi tay đầu bếp rất quan trọng để quyết định độ hoàn hảo của món sushi.
- Kích thước miếng sushi vừa phải để bóc bằng tay dễ dàng hoặc khi ăn bạn chỉ cần cho vào miệng một lần chứ không phải cắn 2 - 3 lần. Kích thước sushi trung bình khoảng 6cm.
Tiêu chuẩn để làm ra những miếng sushi hoàn hảo cũng rất khắt khe
Với tất cả những tiêu chuẩn khắt khe kể trên, giá thành sushi trở nên khá đắt đỏ ở một số nhà hàng sushi Nhật Bản. Tất nhiên, bạn vẫn có thể chọn những nhà hàng sushi với chi phí hợp lý hơn như buffet sushi hoặc sushi băng chuyền, nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo được 100% theo nguyên gốc về sự chuẩn mực của sushi truyền thống. Ở Việt Nam, nhà hàng, quán sushi không thiếu, nhưng hãy tham khảo thử một vài địa chỉ ăn sushi tại đây để có thể tận hưởng hương vị của nền ẩm thực tinh tế hàng đầu thế giới này nhé!